(VOV5) - G20 đã ra tuyên bố chung thúc đẩy thương mại "tự do, công bằng và không phân biệt đối xử" cũng như cam kết sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka ngày 29/6/2019. - Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngày 29/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã không đạt được cam kết chống chế độ bảo hộ, trong bối cảnh năm thứ 2 thế giới phải chật vật với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Kết thúc 2 ngày thảo luận tại thành phố Osaka, miền Tây Nhật Bản, G20 đã ra tuyên bố chung nêu rõ, họ sẽ thúc đẩy thương mại "tự do, công bằng và không phân biệt đối xử" cũng như cam kết sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu giữa lúc có nhiều rủi ro tiêu cực. Tuyên bố có đoạn viết: "Những căng thẳng thương mại và địa chính trị đã gia tăng". Ngoài ra, 19 thành viên G20, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí "không thể đảo ngược" thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã diễn ra với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo 9 tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị với tư cách khách mời. Các cuộc thảo luận đã tập trung vào các chủ đề như thương mại, kinh tế số, biến đổi khí hậu, phụ nữ, và dân số già...
Bên lề hội nghị đã diễn ra hàng loạt cuộc gặp và tiếp xúc song phương giữa các nguyên thủ/nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên và các quốc gia khách mời, trong đó đáng chú ý là các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và với Tổng thống Nga Vladimir Putin./.