(VOV5) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc đưa công dân Việt Nam về nước cần ưu tiên là những nhóm người cao tuổi, bị bệnh, trẻ em dưới 18 tuổi…
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo quốc tế trực tuyến
|
Trong cuộc họp báo trực tuyến của Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 9/4, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và đặt công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài lên hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp hiện nay ở khắp thế giới.
Liên quan đến việc còn một số công dân Việt Nam đang bị mắc kẹt tại các sân bay quốc tế do những thay đổi trong chính sách vận chuyển của các hãng bay quốc tế, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và ngoài nước hỗ trợ đưa 1500 công dân Việt Nam về nước, hiện còn một số ít công dân mắc kẹt do các hãng hàng không, các nước và vùng lãnh thổ thay đổi chính sách để chống chống dịch Covid 19. Một số công dân gặp khó khăn về thị thực lưu trú do không tìm được chuyến bay. Các cơ quan đại diện cũng phối hợp chặt chẽ với các hãng hang không quốc tế, và các cơ quan chức năng sở tại tháo gỡ khó khăn về thị thực, đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp lương thực cũng như các chuyến bay để về Việt Nam".
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hẳng cũng khẳng định trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc đưa công dân Việt Nam về nước cần ưu tiên là những nhóm người cao tuổi, bị bệnh, trẻ em dưới 18 tuổi… đảm bảo cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly ở trong nước.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Việt Nam đã gửi các công hàm phản đối Trung Quốc đến Liên Hợp Quốc, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế như đã được thể hiện tại UNCLOS 1982. Việc lưu hành công hàm tại LHQ là một việc làm bình thường thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam. Lập trường của VN đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này. Theo đó VN khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời thế hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng biển được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982".