(VOV5) - Cuộc họp kín cấp trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc vào rạng sáng ngày 24/11 (theo giờ Mỹ) tại thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Vòng đàm phán này có ý nghĩa quan trọng vì các bên đang hết sức nỗ lực thu hẹp bất đồng trước cuộc họp mang tính quyết định tại Singapore vào tháng sau giữa Bộ trưởng các nước tham gia TPP.
Hơn 1000 thành viên của 12 đoàn đàm phán đã có mặt tại Utah để tham dự phiên đàm phán bổ sung sau khi vòng đàm phán thứ 19 tại Brunei vào tháng 8 vừa qua, vốn được coi là vòng đàm phán cuối cùng theo lộ trình, đã không thể giải quyết được bất đồng giữa các bên liên quan. Kết quả của vòng đàm phán này sẽ là cơ sở quan trọng để cuộc họp bộ trưởng các nền kinh tế TPP vào tháng sau tại Singapore quyết định xem liệu có thể kết thúc đàm phán ngay trong năm nay như cam kết hay không.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, cho rằng một trong những tiến bộ lớn nhất tại vòng đàm phán Utah là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi các bên đã đạt được những thỏa thuận bẳng cả 19 vòng đàm phán trước đó. Tuy nhiên, lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng nhất không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước tham gia đàm phán TPP là lưu thông hàng hóa thì vẫn được đánh giá là còn khá trì trệ. Đây sẽ là trọng tâm của cuộc họp các bộ trưởng tại Singapore sắp tới.
Ông nói: Các bên đã thể hiện sự linh hoạt nên có nhiều tiến triển khả quan trên các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó như sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, lao động và môi trường. Có kết thúc được hay không là ở cuộc họp cấp bộ trưởng này. Nếu như chúng ta hướng đến một hiệp định đầy đủ, một văn bản toàn diện sẵn sàng để ký thì tôi nghĩ không thể được. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhắm đến một kết quả là các bộ trưởng đạt được thỏa thuận cơ bản, sau đó các nhóm đàm phán sẽ soạn thảo lời văn thì nếu các bên có nỗ lực, có đủ linh hoạt với nhau thì tôi nghĩ vẫn còn khả năng đạt được tại hội nghị bộ trưởng Singapore.
Với 12 quốc gia thành viên trong đó có Mỹ, Nhật, Australia và Việt Nam, TPP sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% GDP và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.