(VOV5) -Tổng Bí thư cho rằng công tác phòng chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ngày 29/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.) |
Tại các buổi tiếp xúc, ý kiến cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa 14 với nhiều nội dung về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đặc biệt, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có nhiều đổi mới, đi thẳng vào vấn đề, phần nào đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của cử tri cả nước.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho biết tất cả các ý kiến đóng góp của cử tri sẽ được ghi nhận đầy đủ để phản ánh lên Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Trao đổi với cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, được triển khai hiệu quả, bài bản hơn, tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Tổng Bí thư, hiện vẫn còn một số khâu yếu cần được khắc phục như khâu điều tra, giám định, thu hồi tài sản tham nhũng và sự chuyển biến ở các cấp dưới chưa mạnh mẽ. "Bên dưới chuyển biến chưa mạnh. Vừa rồi họp quốc hội, đã khái quát là trên nóng, dưới lạnh. Bây giờ dưới cũng đang nóng dần lên rồi. Một số nơi đang làm, sắp tới phải làm. Chúng tôi nói là không thể không làm được đâu. Nhưng muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng. Cái lò đã nóng lên thì tất cả vào cuộc, đồng lòng nhất trí cao."
Liên quan đến vấn đề cử tri phản ánh chậm thông qua luật Phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, đây là bộ luật khó, cần thảo luận kỹ lưỡng, để khi ban hành luật phát huy tác dụng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống tham nhũng.