Ký ức sâu đậm của cựu nghị sĩ Pháp về Hội nghị Paris

(VOV5) - "Tôi xin bày tỏ lòng cảm phục trước lòng quyết tâm của các bạn, quyết tâm làm cho cuộc sống ấm no hơn, quyết tâm bảo vệ hòa bình".

VOV online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của bà Hélène LUC, Nguyên Thượng nghị sỹ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt tại Lễ Mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam:


Ký ức sâu đậm của cựu nghị sĩ Pháp về Hội nghị Paris  - ảnh 1
Bà Hélène LUC, Nguyên Thượng nghị sỹ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị
 Pháp-Việt tại Lễ Mít tinh (Ảnh:Ngọc Thành)

"Vào thời điểm này cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, nhân dân Việt Nam đang trải qua một trong những ngày đẹp nhất trong lịch sử của mình, khi Hiệp định Paris được ký kết, dẫn đến đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 vì độc lập, thống nhất đất nước. Sau 120 năm, trên mảnh đất Việt Nam đã không còn bóng dáng ngoại bang.

Nhân dân Pháp cũng như nhân dân các nước trên thế giới yêu chuộng công lý và hòa bình đã cùng các bạn hân hoan đón nhận thắng lợi ấy.

Ở thành phố Choisy le Roi, chúng tôi có vinh dự thu xếp chỗ ở cho Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trường đào tạo cán bộ cấp cao. Đó chính là ngôi nhà mà trước kia Đảng Cộng sản Pháp đã cấp cho nguyên Tổng bí thư Maurice Thorez.

Tôi lúc đó là Bí thư Thị ủy Choisy le Roi, cùng các đồng chí Fernand Dupuy, Thị trưởng thành phố, Georges Marchais, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp và tất cả các nhà hoạt động, đã nỗ lực hết mình để Đoàn Việt Nam, do các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy dẫn đầu, không những có được những điều kiện làm việc tốt nhất mà còn cảm thấy được động viên, chia sẻ. Chúng tôi ít nhiều như gia đình của các đồng chí ấy.


Bằng những hành động thiết thực, chúng tôi đã tích cực tham gia phát triển phong trào đấu tranh vì hòa bình, góp phần cùng với các bạn buộc người Mỹ phải ký kết Hiệp định. Đảng Cộng sản Pháp đã hành động mọi lúc, mọi nơi để giúp đỡ và ủng hộ Đoàn đàm phán của miền Bắc và Đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời do người bạn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình, làm trưởng đoàn. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng đến bà, thưa bà nguyên Phó Chủ tịch nước.

Hàng ngày, nhiều đoàn đại biểu thuộc mọi thành phần tôn giáo và nhiều đảng phái khác nhau, như Đảng Cộng sản, Đảng theo chủ nghĩa De Gaulle, Đảng Xã hội… đã đến gặp và trao đổi với hai đoàn đàm phán của miền Bắc và của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam.

Chúng tôi đã phát động phong trào đấu tranh với sự tham gia của công nhân hãng xe hơi Renault, công nhân nhà máy thủy tinh, công nhân gang thép, nhân viên hành chính các tòa thị chính Choisy, Ivry, Vitry, Orly, Villeneuve le Roi, nhân viên đường sắt ở Villeneuve Saint Georges, nhân viên hệ thống siêu thị Galeries Lafayette, nhân viên nhà băng, đội ngũ trí thức trên khắp nước Pháp, người Việt Nam ở Pháp và nhiều đoàn thể nhân dân khác.

Dẫu muộn màng, nhưng tướng De Gaulle đã ý thức được những sai lầm của Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Vì thế, ông đã cảnh báo với Tổng thống Mỹ rằng Mỹ sẽ không thể thắng cuộc chiến. Đáng tiếc là ý kiến ấy đã không được lắng nghe.

Nhưng tướng De Gaulle, và sau này là Bộ trưởng Ngoại giao Maurice Schuman, đã có đóng góp cá nhân vào những nỗ lực của ngoại giao Việt Nam, với ý tưởng là nước Pháp sẽ hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp chính thức cũng như các cuộc bí mật giữa Lê Đức Thọ và Kissinger tại một biệt thự khiêm tốn trên phố Darthe, thành phố Choisy le Roi.

Đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đến Pháp ngày 10/5/1968, đúng vào lúc mà ở Pháp đang sục sôi không khí phản đối chiến tranh (chúng tôi gọi là sự kiện tháng 5 năm 68). Dưới chân tháp Eiffeil, đông đảo công nhân và sinh viên cùng hô vang “Ho, Ho, Hồ Chí Minh”. Đó là tiếng hô đồng thanh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược.

Đối với cả một thế hệ, hình ảnh biểu trưng cho sự phản đối sức mạnh Mỹ, biểu trưng cho sự thay đổi xã hội triệt để. Ngày hôm ấy, Xuân Thủy và Harriman, đại sứ Mỹ tại Paris, đã lần đầu tiên bắt tay nhau. Ngày 13/5 ấy, đã khơi dậy một niềm hy vọng lớn lao.

Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, dẫu bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Mỹ vẫn hy vọng sẽ giữ được miền Nam Việt Nam. Ông ta mặc cả với phái đoàn Việt Nam: “Hãy ngừng cung cấp lương thực và vũ khí cho các lực lượng chiến đấu ở miền Nam; đổi lại, chúng tôi sẽ ngừng ném bom!”. Trước lời mặc cả ấy, đại diện của phía Việt Nam đã kiên trì nhắc đi nhắc lại: “Dân tộc Việt Nam là một, cần phải chấp nhận thực tế ấy!”.

Trong những lần gặp gỡ nhau ở Choisy le Roi, Bộ trưởng Xuân Thủy luôn luôn khẳng định với chúng tôi rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ, Bắc Nam chắc chắn sẽ thống nhất”.

Đảng Cộng sản Pháp và tầng lớp thanh niên cộng sản đã luôn đứng trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 21/2/1968, chúng tôi đã tổ chức ngày đấu tranh chống thực dân huy động sự tham gia của 60.000 người tại khu La-tinh, thủ đô Paris. Vào hai ngày 17 và 18/2/1968, theo sáng kiến của chúng tôi, thanh niên đến từ 10 nước Châu Âu đã tham gia tuần hành trên các đường phố Paris. Ở Ý, Thụy Điển, ở Béc Lin, giới sinh viên gắn phong trào đấu tranh của họ với phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Ở Washington, 80.000 người Mỹ biểu tình trước nhà Trắng. Các nhóm nhạc Beatles, Rolling Stones, John Baez, Jean Ferrat viết nhiều bài hát huy động giới trẻ tham gia phong trào phản chiến.

Phóng viên chiến trường Medeleine Riffaud của tờ L’Humanité tiết lộ cuộc thảm sát Mỹ Lai.

Từ năm 1967 đến năm 1971, máy bay Mỹ đã rải 72 tấn chất diệt cỏ, 40 triệu tấn chất da cam (dioxine), tiêu hủy 2 triệu hécta rừng và đồng ruộng. 4.800.000 người đã bị nhiễm dioxine ở các cấp độ khác nhau – 1 triệu phụ nữ bị mất chồng – 100.000 người bị mù – 950.000 trẻ mất cha, mẹ.

Nay đã là thế hệ thứ 4 kể từ sau chiến tranh, vẫn còn nhiều cháu sinh ra đã là nạn nhân của dioxine. Chính phủ Mỹ và Tập đoàn Monsanto vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm của họ.

Tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm này. Điều đó cần và có ích không chỉ cho thế hệ trẻ Việt Nam, mà còn cho toàn thế giới.

Hồ Chí Minh là con người của hòa bình và công lý. Ở Pháp, chúng tôi đã làm lễ kỷ niệm ngày Người đặt chân đến Marseille khi mới 17 tuổi, và lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Người đã đồng hành cùng với nhân dân Pháp, bên cạnh Đảng Cộng sản Pháp khi Đảng này được thành lập năm 1920, để cùng với Marcel Cachin xây dựng nên lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái. Hồ Chí Minh là con người đầy lòng vị tha.

Ngày 2/9/1969 là một ngày rất u buồn khi chúng tôi hay tin Hồ Chí Minh qua đời. Tôi còn nhớ Đoàn đàm phán của miền Bắc cũng như chúng tôi, những người bạn, người đồng chí, đã cảm thấy rối bời đến mức nào khi biết tin ấy. Chúng tôi đã cùng nhau làm lễ tưởng nhớ Người ở Choisy le Roi.

Ở Choisy le Roi, chúng tôi cũng tổ chức kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris. Cùng với người bạn Trịnh Ngọc Thái của tôi, nhiều nhà ngoại giao và nhiều nhà sử học, chúng tôi sẽ kể cho thế hệ trẻ nghe về chủ nghĩa anh hùng của các bạn, về tình hữu nghị sâu sắc gắn bó hai dân tộc chúng ta.


Theo sáng kiến của ngài Thị trưởng Daniel Davisse và của Hội đồng Tỉnh, Tòa thị chính Choisy le Roi sẽ tham gia để sản xuất một bộ phim tư liệu do Daniel Roussel làm đạo diễn. Phim kể về quá trình đàm phán Hiệp định và cuộc sống của Đoàn đàm phán tại Choisy le Roi. Phim sẽ được trình chiếu trước ngày 21/3 tới đây tại thành phố Choisy le Roi và sau đó sẽ được phát sóng trên truyền hình Pháp và truyền hình Việt Nam.

Chúng tôi sẽ vinh danh tất cả những tình nguyện viên đã thay nhau đảm bảo an ninh cho Đoàn đàm phán của Việt Nam trong vòng suốt 5 năm: đó là những người lái xe ngày đêm phục vụ các đồng chí Việt Nam, đó là những người bạn đã tham gia phục vụ hậu cần cho các buổi tiếp. Chúng tôi sẽ vinh danh các đồng chí Henri Martin và Raymondien, những người đã nhờ tôi chuyển lời chào đến nhân dân Việt Nam với lời nhắn rằng họ luôn luôn nghĩ về các bạn. Chúng tôi sẽ vinh danh nhiều nhân sỹ, trí thức của Pháp và của nước ngoài, thuộc nhiều chính kiến khác nhau, đã từng đến thăm Đoàn đàm phán của Việt Nam tại Choisy le Roi như Aragon, Elsa Triolet, Jean Paul Sartre, Alfred Kestler, Raymond Aubrac người đã gặp giáo hoàng nhờ can thiệp để Mỹ không ném bom vào đê sông Hồng, rồi nữ diễn viên nổi tiếng Jeanne Fonda, hay Charles Fourniau, người sang lập Hội Hữu nghị Pháp – Việt mà tôi có vinh dự là thành viên và là chủ tịch danh dự.

Ngày mùng 2/9/1980, một phái đoàn của thành phố Choisy le Roi đã được mời sang thăm Việt Nam. Cùng với chồng tôi, ông Louis Luc, lúc đó là thị trưởng, chúng tôi đã hân hạnh được gặp Tướng Giáp. Đại tướng đã dang rộng vòng tay ôm lấy chúng tôi, và kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến. Đại tướng nói: “Chúng tôi chưa bao giờ hoài nghi về chiến thắng, ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất; bởi vì để chiến đấu thì cần con người và vũ khí, người Mỹ có rất nhiều vũ khí tối tân nhưng họ không có những con người nhiệt huyết; chúng tôi thì có. Chúng tôi đã chứng tỏ sức mạnh và quyết tâm qua cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, vốn là một bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến. Cuộc tổng tấn công ấy đã làm thế giới ngặc nhiên, mặc dù chúng tôi chỉ có 80.000 quân để chống lại 643.000 quân Mỹ. Họ đã buộc phải từ bỏ suy nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng”.

Ngày hôm nay, các bạn đem lòng quyết tâm tương tự như thế để xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hóa vào năm 2020. Các bạn muốn tự mình đào tạo ra các kỹ sư. Nước Pháp giúp các bạn một phần để làm việc ấy. Nhưng nước Pháp cần phải làm nhiều hơn nữa.

Tôi biết lòng quyết tâm của các bạn. Năm 2011, ở Pháp đã công bố kết quả một cuộc khảo sát ý kiến thực hiện trên 64.000 người ở 53 quốc gia. Các bạn dẫn đầu trong số những nước lạc quan nhất.

Từ năm 17 tuổi, khi còn là học sinh trung học, bắt đầu đấu tranh chống chiến tranh xâm lược thuộc địa của Pháp rồi của Mỹ cho đến khi trở thành Thượng nghị sĩ, tôi vẫn kiên định một lý tưởng. Và ngày hôm nay, tôi xin bày tỏ lòng cảm phục trước lòng quyết tâm của các bạn, quyết tâm làm cho cuộc sống ấm no hơn, quyết tâm bảo vệ hòa bình.

Câu chuyện tình yêu mà chúng ta đã trải nghiệm vì hòa bình và công lý sẽ không bao giờ dừng lại. Đó là lý do vì sao tôi rất biết ơn ngài tân Thị trưởng Daniel Davisse của thành phố Choisy le Roi, vì ngài vẫn tiếp tục cùng với Hội đồng thành phố phát triển các mối quan hệ hữu nghị với Quận Đống Đa, vốn bị tàn phá nặng nề năm 1972 vì bom Mỹ. Con cháu chúng ta, các nghệ sĩ, đại biểu dân cử và các giáo sư của hai bên thường xuyên gặp gỡ và tiếp nối truyền thống. Các cháu thiếu nhi ở Choisy đã cùng với hai nghệ sỹ của Việt Nam và Pháp làm nên một hình ghép, lấy cảm hứng từ tác phẩm dọc đê sông Hồng. Tháng 3 tới đây, Thị trưởng Choisy le Roi và ngài Đại sứ Việt Nam sẽ cùng khánh thành Quảng trường Hiệp định Paris.

Năm chéo Pháp-Việt Nam 2013-2014 do hai Chính phủ Pháp và Việt Nam quyết định tổ chức. Tôi tin tưởng rằng với sự năng động của ông Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, với sự tham gia của tất cả những người bạn, những người đồng chí Pháp và các doanh nghiệp Pháp kinh doanh tại Việt Nam, đây sẽ là một giai đoạn phát triển mới của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc chúng ta.

Tôi cũng xin nói thêm rằng ông Pierre Laurent, Thư ký toàn quốc của Đảng Cộng sản và tạp chí Humanité sẽ công bố nhiều sáng kiến mới tại trụ sở của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày hôm qua, ông ấy đã tham dự buổi chiêu đãi của Đại sứ Việt Nam, kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris.

Nhiều thành phố lớn của Pháp như Paris, Marseille, Toulouse, Bordeaux sẽ tham gia các hoạt động của năm chéo, một sự kiện sẽ đánh dấu bước tiến đáng kể trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam, nghị lực và lòng quyết tâm của dân tộc Việt Nam muôn năm! Tình hữu nghị Pháp-Việt muôn năm!"./.

Theo VOV online

Phản hồi

Các tin/bài khác