(VOV5) - Chiều 3/11, thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, đồng thời, chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt hiệu quả cao trong 5 năm tới, ông Chu Lê Châu, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng: “Nâng cao năng lực dự báo, phản ứng nhanh, tích cực trước diễn biến tình hình trong nước và thế giới. Thực hiện nghiêm túc quy hoạch không gian phát triển kinh tế liên kết vùng, xác định rõ lĩnh vực trọng yếu, ngành hàng, sản phẩm chủ lực có ưu thế, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và thế giới. Đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực, đảm bảo đủ nguồn vốn để tổ chức thực hiện các nội dung trọng tâm nhiệm vụ ưu tiên. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường một cách hài hòa".
|
Đại biểu quốc hội phát biểu tại hội trường |
Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các đại biểu cho rằng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, ngành nông nghiệp của đất nước đã có sự chuyển biến đáng kể, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gia tăng những sản phẩm có giá trị, hiệu quả. Bà Phạm Thị Loan, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu ý kiến: "Ngoài các vấn đề về đầu tư cơ sở hạ tầng, các nguồn lực kinh tế khác, hỗ trợ vốn thể chế, tích tụ đất đai, cần chú trọng và ưu tiên đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là chất lượng cao và khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ mới, công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là các yếu tố tạo nên sự đột phát và là đòn bẩy cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông thôn mới".
Giải trình trước Quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và doanh nghiệp và tái cơ cấu thị trường sản xuất. Giải trình về các dự án sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực cho tái cơ cấu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành tổng hợp, đánh giá, kiểm tra toàn diện các dự án để không thất thoát vốn của nhà nước.
Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp, phương án xử lý các dự án lớn có nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước, công tác cán bộ.
Đề cập thực trạng một số dự án đầu tư lớn đang hoạt động kém hiệu quả, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát và công bố cụ thể số lượng các dự án này đồng thời có phương án giải quyết để tránh thất thoát vốn Nhà nước. Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Những dự án này đều diễn ra một thời gian dài so với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt,trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi và đã có sự chỉ đạo của các cơ quan để tháo gỡ. Bộ công thương và các Bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá toàn diện các tồn tại dự án và báo cáo cụ thể về thực trạng, quá trình điều hành, vai trò và trách nhiệm các cấp quản lý, giải pháp thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ hiệu quả lợi ích và đồng vốn của Nhà nước;làm rõ trách nhiệm của tất cả cá nhân và đơn vị liên quan để xử lý".
Người đứng đầu ngành Công thương cũng khẳng định phải làm rõ hơn công tác quản lý các nguồn lực đầu tư của nhà nước, không chỉ đầu tư công mà còn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước; làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tiếp cận cơ hội kinh doanh; xem xét lại việc thực thi pháp luật, nhất là chất lượng của dự án đầu tư, từ khâu chiến lược, quy hoạch dự án.
Liên quan đến hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng như hiệu quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chú trọng công tác cán bộ, trong đó có tinh giản biên chế. Ông Dương Văn thống, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, kiến nghị: "Tôi đề nghị nghiên cứu rà soát, sửa đổi một cách tổng thể cả bộ máy, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phân công phối hợp kiểm soát quyền lực. Hàng năm Chính phủ và cơ quan Nhà nước khác phải báo cáo Quốc hội việc sắp xếp bộ máy và tinh giảm biên chế cũng như số kinh phí đã giảm được. Thường xuyên thanh tra kiểm tra công tác tổ chức cán bộ trong đó có sắp xếp tổ chức bộ máy".
Ông Triệu Tài Vinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, cũng cho rằng để nâng cao năng suất lao động một trong những giải pháp năm 2017 là thực hiện quyết liệt tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng công vụ theo đề án vị trí việc làm.