(VOV5) - Đa số các đại biểu đều nhất trí với dự án luật đặc xá sửa đổi. Về thời điểm đặc xá, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 03 thời điểm đặc xá.
Sáng 7/11, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Cần phải giám sát quá trình đặc xá và tạo môi trường tốt để người được đặc xá hòa nhập và tiếp tục cải tạo. |
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp và ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định về điều kiện và đối tượng được đề nghị đặc xá. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: “Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà Bộ luật hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác. Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ”.
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều nhất trí với dự án luật đặc xá sửa đổi. Về thời điểm đặc xá, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 03 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, đoàn Ninh Thuận, cho rằng: Dự thảo luật cần bổ sung thêm những chính sách đối với người được đặc xá để tạo điều kiện cho họ được tái hòa nhập cộng đồng: “Tôi đề nghị Uỷ ban thường vụ quốc hội quan tâm, bổ sung và quy định rõ các điều kiện, cơ chế đảm bảo cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng ở ngày trong luật. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định Nhà nước cần có chính sách cụ thể vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia họat động giúp đỡ với các hình thức, mô hình phù hợp với điều kiện của đối tượng đặc xá và địa phương. Như vậy mới huy động được nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá”.
Chiều 07/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Chăn nuôi.