(VOV5) - Karl Marx đã để lại cho nhân loại một di sản tư tưởng đồ sộ, sâu sắc.
Ngày 5/5, tròn 202 năm ngày sinh Karl Marx (5/5/1818-5/5/2020). Trọn đời vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người thoát khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công và mọi sự tha hóa, Karl Marx đã để lại cho nhân loại một di sản tư tưởng đồ sộ, sâu sắc.
Đúng như Friedrich Engels đánh giá trong những thành tựu của Karl Marx có ba thành tựu có thể coi là ba phát minh vĩ đại mà ông để lại cho mai sau. Đó là: Tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người; tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại - quy luật giá trị thặng dư; tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.
Người dân thăm mộ Karl Marx tại nghĩa trang Highgate ở London, Anh. -Nguồn: THX/TTXVN |
Ông Trịnh Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng, Viện chủ nghĩa xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Karl Marx đã gắn toàn cầu hóa với giải phóng con người, phát triển toàn diện con người: "Chỉ có vận dụng chủ nghĩa Marx mới lý giải được đầy đủ, khoa học và thực tiễn về toàn cầu hóa. Bởi vì, có thể nói, toàn bộ học thuyết của Mác thấm đượm tư tưởng toàn cầu hóa, chính dự đoán về quá trình toàn cầu hóa là 1 trong những công lao quan trọng nhất của Karl Marx và đã xuất hiện ngay thời kỳ đầu tiên hình thành chủ nghĩa Marx. Vận dụng chủ nghĩa Mác mới lý giải đầy đủ khoa học và thực tiễn về toàn cầu hóa, gắn toàn cầu hóa với sự phát triển giai cấp công nhân.
Nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Dương Quang Phái khẳng định: Đến thời điểm này chưa có một chủ nghĩa nào tiến bộ hơn chủ nghĩa Marx-Lênin: "Marx-Lenin chỉ dạy chúng ta về những quan điểm cơ bản, những biện pháp duy vật để nghiên cứu, đánh giá quy luật tồn tại phát triển của xã hội. Chủ nghĩa Marx không thể chỉ cho chúng ta từng công việc cụ thể. Vấn đề là bây giờ chúng ta hiểu cho thực chất như thế nào là Chủ nghĩa Marx. Căn bản Chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn đúng và là 1 chủ nghĩa xã hội tiến bộ."