(VOV5) - Hôm qua, 9/5, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, chính thức có văn bản phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
Văn bản nêu rõ: Vị trí hoạt động của giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt tại toạ độ 15'29 độ vĩ bắc, 111'12 độ kinh đông từ ngày 2/5/2014 đến nay nằm hoàn toàn trong vùng biển Hoàng Sa, trong phạm vi quản lý của chính quyền UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Là cơ quan hành chính địa phương được Nhà nước giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa, chúng tôi cực lực phản đối phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm các nguyên tắc và thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển; làm xấu đi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các địa phương của hai bên. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, vô điều kiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC), các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; rút ngay giàn khoan HD981 và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.
Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài TNVN, Tiến sỹ khoa học Lương Văn Kế, Chuyên gia phân tích địa chính trị, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng hành động của Trung Quốc đã phá vỡ mọi cam kết, một loạt thỏa thuận ở cấp lãnh đạo cao cấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông Lương Văn Kế cho rằng đây hoàn toàn là mục đích địa chính trị của Trung Quốc, hành vi này của Trung Quốc là một trong những lựa chọn ưu tiên trong quá trình thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và lấn chiếm các vùng lãnh hải, thềm lục địa của Việt Nam: Hành động của Trung Quốc tạo ra bất ổn cực lớn và nó không chỉ dừng lại ở bản thân khu vực của các quốc gia ở ven Biển Đông mà nó kéo theo sự can dự của tất cả các cường quốc khác có lợi ích xung quanh đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải cũng như vấn đề an ninh chung của khu vực khi mà các cường quốc đang có nhiều điều chỉnh chiến lược về trật tự an ninh chính trị của mình. Tôi nghĩ rằng đây sẽ tác động đến toàn bộ an ninh toàn cầu, thậm chí trong một chừng mực nào đó nó sẽ tạo ra những cuộc khủng hoảng không chỉ về chính trị mà còn trở thành một cuộc đại khủng hoảng của kinh tế thế giới, khi mà toàn bộ trung tâm cư dân, trung tâm địa lý học hay trung tâm về dân số của thế giới đang tập trung ở Châu Á Thái Bình Dương, cho nên có thể nói rằng đây là hành vi đã phá vỡ toàn bộ trật tự, một hiện trạng đã được tương đối lắng dịu trong một vài năm trở lại đây.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp với Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhân chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, Thượng nghị sỹ Pháp Team-Claude Peyromelt hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Việt Nam trong vấn đề giải quyết vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Khẳng định cộng đồng quốc tế không để Trung Quốc biến Biển Đông thành biển nội địa của mình.