(VOV5) - Tạp chí Phật học đã góp phần nói lên tiếng nói của lẽ phải trong các cuộc đối thoại về tự do tôn giáo và nhân quyền.
Ngày 27/11 tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập và Hội thảo Khoa học có Chủ đề: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Thành tựu và Định hướng”.
Quang cảnh buổi họp báo. - Ảnh: Vĩnh Phong |
30 năm qua, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có những đóng góp về phương diện học thuật, hoằng dương Phật pháp cũng như phản ánh về đời sống tôn giáo tốt đẹp tại Việt Nam, trọng tâm là sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trên tất cả các mặt của đời sống tôn giáo. Trong lĩnh vực đối ngoại, Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ góp phần xiển dương Phật giáo Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác quốc tế, góp phần nói lên tiếng nói của lẽ phải trong các cuộc đối thoại về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, cho biết: “Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học là một tiếng nói mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam, đem tin tức đến quần chúng; nhanh chóng lan tỏa đến các cộng đồng Phật tử Việt Nam ở nước ngoài về tình hình Phật pháp ở trong nước.
Qua các kỳ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) mà Việt Nam tổ chức đã quảng bá những hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa… Đặc biệt là vấn đề tôn giáo của Việt Nam, đó là sự tự do tôn giáo và nhân quyền. Các quốc gia đến tham dự Vesak đã thấy được tình hình tôn giáo, nhân quyền của Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện hết sức và ba lần tổ chức Vesak thành công là một minh chứng.”
30 năm qua, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản và in ấn một số tác phẩm Kinh điển, Luật tạng tiêu biểu như Luật Tứ Phần, Từ Điển Hán Việt, Từ điển Phật học Hán Việt… Trong khi đó, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã đăng tải các công trình nghiên cứu của Phân viện; truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo để chức sắc, tín đồ Phật giáo thực hiện đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp.