Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật

(VOV5) -Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và nhấn mạnh tinh thần không để vướng mắc trong triển khai đầu tư công. 

Sáng 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng thể chế, tập trung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và nhấn mạnh tinh thần không để vướng mắc trong triển khai đầu tư công. Thay vào đó phải tập trung vào quản lý vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư, phân cấp giao quyền mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương theo đề xuất của các thành viên Chính phủ.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật  - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã giúp việc quản lý vốn đầu tư ngân sách Nhà nước hiệu quả hơn. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.

Theo đó, một số quy định trong Luật còn cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Một số điểm của Luật Đầu tư công chưa thống nhất với các luật khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch... Bên cạnh đó, đã có nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới việc triển khai các dự án bị chậm.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, trong đó, các dự án nhóm A thì thẩm quyền Thủ tướng quyết định và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn. Những dự án nhóm B có thể phân cấp cho các địa phương phương để quá trình triển khai nhanh hơn.

Cũng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, phân cấp cần gắn trách nhiệm với các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh, thành phố, từ khâu thẩm định nguồn vốn đến quá trình sử dụng vốn theo mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì đề nghị cần có khoản vốn riêng cho các khâu quy hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư. Khi có gói vốn riêng cho khâu quy hoạch sẽ khuyến khích các bộ, ngành địa phương tổ chức lại quy hoạch, khuyến khích điều chỉnh quy hoạch yếu kém, bởi nếu quy hoạch không tốt thì việc triển khai theo quy hoạch đó sẽ gây lãng phí lớn.

Nhìn lại quá trình thực hiện Luật Đầu tư công thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Luật ra đời đã hoàn thành sứ mệnh là giúp lập lại trật tự đầu tư và quản lý vốn đầu tư từ ngân sách một cách tập trung, giảm đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Vấn đề tiếp theo là Luật cần điều chỉnh theo hướng giúp nâng cao năng lực quản lý điều hành của Nhà nước, quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và đến tận các bộ, ngành và tăng cường hậu kiểm để nâng cao tinh thần trách nhiệm. 

Kết luận phiên họpThủ tướng tán thành với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Chính phủ, sửa đổi tên từ Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư công thành Dự án Luật đầu tư công sửa đổi. Về phạm vi áp dụng Luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung các quy định với các dự án đầu tư công được thực hiện tại nước ngoài.

Về khái niệm đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu cần có quy định rõ hơn, đảm sự đồng bộ của Luật này với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật đấu thầu, có quy định phân cấp quản lý phù hợp với tính chất từng nguồn vốn, đồng bộ nhiệm vụ chi, quy trình lập phê duyệt dự án ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng cũng tán thành đề xuất ủy quyền cho Thường trực HĐND theo tinh thần là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, minh bạch và chịu trách nhiệm. Thủ tướng nhấn mạnh “không ôm đồm, phải cải cách mạnh mẽ, không lý thuyết”. Nhà nước phải kiểm soát nhiều kênh và tạo thuận lợi cho địa phương, bộ và cơ sở. Trong Dự án Luật nên phân cấp, quy định rõ thẩm quyền của thường trực HĐND quyết định kịp thời các vấn đề của địa phương.

“Đầu tư công có tiến bộ trong quản lý, nhưng trong thực tiễn có nhiều vấn đề cần đổi mới. Trong đó có vấn đề phân cấp, giao quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND, trách nhiệm của các bộ trưởng phải rõ hơn. Tôi muốn cải cách đổi mới này phải rõ, làm sao đừng gây ra sự phức tạp trong điều hành, trách nhiệm không rõ. Phải có sự thông suốt hơn trong phân bổ và quản lý nguồn lực, trong giao kế hoạch. Còn các bộ chủ yếu là quản lý Nhà nước, những chỉ tiêu lớn, những công trình trọng điểm”- Thủ tướng nói.

 

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật  - ảnh 2
                                      Toàn cảnh phiên họp

 Thủ tướng cũng tán thành việc dành vốn cho công tác quy hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư và đi trước nhiệm kỳ trung hạn, trao quyền này cho Thủ tướng xem xét quyết định. Đây là điều kiện quyết định xem xét đầu tư có hiệu quả, khoa học hay không. Công tác giải phóng mặt bằng những dự án lớn cũng cần có một gói vốn riêng theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư, tạo quỹ đất sạch đấu giá thuận lợi hơn. 

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, theo chương trình, Thường vụ Quốc sẽ cho ý kiến về Dự án luật này tại phiên họp thứ 27, dự kiến vào tháng 9 tới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật này.  

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Luật này để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh. 

Dự án Luật đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung quy định về quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Các quy hoạch này được phản ánh là đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Sau ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật. Thủ tướng yêu cầu không để có quá nhiều quy hoạch trên cùng một địa bàn, lĩnh vực; tạo thuận lợi, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ.

Tại phiên họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã báo cáo về việc gần 5.900 hộ dân tại 14 tỉnh cả nước bị mất nhà do sạt lở đất và đang phải ở tạm lều, bạt.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là đối tượng cần phải được hỗ trợ sớm để ổn định cuộc sống. Thủ tướng yêu cầu một số bộ, ngành liên quan nghiên cứu mức hỗ trợ để cùng các chính sách khác của Nhà nước, giúp đỡ người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn. Tinh thần Thủ tướng nhấn mạnh là rà soát để đảm bảo đối tượng được hỗ trợ là chính xác, kịp thời.

Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu biện pháp xã hội hóa nguồn lực, trong đó các địa phương hỗ trợ kinh phí, bố trí đất cho người dân. Thủ tướng cho biết sẽ sớm họp với các địa phương để nhanh chóng triển khai chủ trương này.    

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác