Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng

(VOV5) - Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước”.

Tại phiên làm việc ngày 14/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng  - ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật này chúng tôi đã đảm bảo xây dựng những cơ chế cũng như nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sự vận hành và tư cách pháp lý của cơ quan, đảm bảo mức độ độc lập tương đối và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động của cơ quan đó. Trong những khuôn khổ đó nó cho phép chúng ta có được mức độ tương đối trong đảm bảo tách bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, cũng như quản lý nhà nước của cơ quan quản lý về cạnh tranh với lại các hoạt động của bộ chủ quản với doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đó".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết bởi luật hiện hành có nhiều bất cập không còn phù hợp với tình hình mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc mở rộng không được chồng chéo, mâu thuẫn với các điều luật khác đã ban hành; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cả đối với các hành vi xác lập ngoài lãnh hổ Việt Nam thì cần có những cơ chế để đảm bảo sự khả thi của quy định này.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác