Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia

(VOV5) -  Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban tiếp tục hoàn thiện mô hình giám sát tài chính, nâng cao năng lực nghiên cứu và tư vấn chính sách.

Sáng nay (13/01), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì buổi làm việc với Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia về phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Uỷ ban.

Tại buổi làm việc, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Ủy ban) cho biết trong những năm qua Uỷ ban tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, chủ động xây dựng, áp dụng một số chỉ số phân tích, đánh giá an toàn vĩ mô, tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và chuyên gia. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp ổn định kinh tế tài chính vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia - ảnh 1Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì buổi làm việc với Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: VOV

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2023, khi đại dịch Covid 19 được khống chế, Uỷ ban đã kiến nghị sớm có kế hoạch mở cửa nền kinh tế, bổ sung gói hỗ trợ kinh tế mới, thúc đẩy quá trình hồi phục của nền kinh tế. Trong thời gian tới, Ủy ban mong muốn xây dựng cơ chế hoạt động mới nhằm phát huy tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao phó.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các đóng góp quan trọng của Ủy ban, nổi bật là nhiều kiến nghị giúp Chính phủ theo dõi điều hành và giám sát thị trường tài chính quốc gia, điều hành nền kinh tế vĩ mô.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban tiếp tục hoàn thiện mô hình giám sát tài chính, nâng cao năng lực nghiên cứu và tư vấn chính sách: "Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ cũng như mô hình giám sát tài chính trong thời gian tới, đặc biệt bảo đảm yêu cầu giám sát chung, giám sát liên thông giữa các khu vực tài chính, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ của thế giới”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác