(VOV5) - Ngày 13/12/2023, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Giáo sư Bành Lệ Viên và Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Phan Thị Thanh Tâm đã đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội và giao lưu với sinh viên của trường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong 2 ngày 12-13/12, trưa nay, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - Giáo sư Bành Lệ Viên và Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Phan Thị Thanh Tâm đã đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và giao lưu với sinh viên.
Đón đoàn tại Đại học Quốc gia Hà Nội có bà Lâm Thị Phương Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Trưởng ban thường trực Ban đối ngoại TW Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh. Về phía ĐHQGHN có Giám đốc Lê Quân cùng lãnh đạo và các ban chức năng, lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường ĐH Ngoại ngữ.
Chuyến thăm của Giáo sư Bành Lệ Viên tới ĐHQGHN có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước, đồng thời tạo cơ hội cho các sinh viên được giao lưu, tiếp xúc và tăng cường hiểu biết về mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Tại buổi đón tiếp, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân đã giới thiệu tới hai phu nhân về tình hình hợp tác giữa ĐHQGHN với các đối tác Trung Quốc cũng như những thông tin về việc đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc tại ĐHQGHN.
Theo Giám đốc Lê Quân, ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ đối tác với gần 30 trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Chính pháp Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm và Kỹ Thuật Quảng Tây; Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây; Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá Bắc Kinh; Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Bắc …
Hiện nay, số lượng sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đơn vị trong ĐHQGHN có gần 600 sinh viên, trong đó tập trung nhiều tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (gần 400 sinh viên), Khoa các Khoa học liên ngành (100 sinh viên) và Trường ĐH Ngoại ngữ (gần 70 sinh viên). Nhiều hình thức học tập được triển khai như đào tạo ngắn hạn, đào tạo chính quy lấy bằng của ĐHQGHN và các chương trình giao lưu văn hóa, thực tập nghiên cứu sinh.
Các hoạt động hợp tác trao đổi giảng viên, cán bộ với các trường đại học Trung Quốc cũng được triển khai hiệu quả, trong năm qua, có hơn 100 lượt cán bộ, giảng viên Trung Quốc đã tới ĐHQGHN tham gia hoạt động giảng dạy, và nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật.
Các đơn vị có thế mạnh về đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Trung quốc tại ĐHQGHN như Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tích cực tổ chức và tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Trung Quốc (HSK), cũng như tiếp nhận các giảng viên Trung Quốc được cử tới hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Trung.
Năm 2023 vừa qua, học sinh Lê Nguyệt Quỳnh - học sinh lớp 12E trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho học sinh THPT toàn thế giới lần thứ 16 tổ chức tại Trung Quốc.
ĐHQGHN cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học, còn có 2 trường phổ thông có đào tạo tiếng Trung Quốc đó là Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THCS Ngoại ngữ. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ có hệ đào tạo chuyên tiếng Trung.
Tại buổi giao lưu với hai phu nhân, các sinh viên ĐHQGHN đã bày tỏ sự quan tâm tới ngôn ngữ, văn hóa, điện ảnh, trang phục Trung Quốc, về tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc thông qua trao đổi văn hóa, hợp tác học thuật và viếng thăm lẫn nhau…
Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - Giáo sư Bành Lệ Viên bày tỏ ấn tượng trước khả năng nói tiếng Trung của các học sinh, sinh viên ĐHQGHN. Giáo sư Bành Lệ Viên cho rằng, ngôn ngữ chính là cầu nối, đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu, kết nối giữa con người với con người, giữa các nền văn hóa. Nếu sinh viên Việt Nam biết tiếng Trung thì có thể tìm hiểu nhiều hơn về đất nước Trung Quốc, tương tự như vậy, nếu sinh viên Trung Quốc biết tiếng Việt thì cũng sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - Giáo sư Bành Lệ Viên cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả thì các bạn trẻ, sinh viên đóng vai trò quan trọng. Bà mong rằng hai bên sẽ có nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác để thế hệ trẻ phát huy năng lực, vai trò của mình.
PV/VOV.VN