Quốc hội bắt đầu thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(VOV5) - Hôm nay, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII bắt đầu thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bên cạnh vấn đề tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, chế độ kinh tế, nhiều ý kiến cũng đề cập  tổ chức chính quyền địa phương và việc nên hay không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp.

Quốc hội bắt đầu thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  - ảnh 1

Về chính quyền địa phương, đa số ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi chưa làm rõ hình hài của mô hình chính quyền địa phương. Theo ông Lê Văn Tấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, chính quyền cơ sở rất quan trọng. Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, huyện cũng chưa được tổng kết. Vì vậy, Hiến pháp lần này chưa cần phải quy định rõ các mô hình. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Doãn Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, đưa ra quan điểm thiết chế HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) phải là thiết chế đồng cấp, có quan hệ mật thiết với nhau, ở đâu có UBND phải có HĐND.

Đồng quan điểm này và xuất phát từ thực tế thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường ở Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND để nhân dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với chính quyền: “Nếu chúng ta bỏ Hội đồng nhân dân thì ai sẽ là người đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của mình, ai giám sát Ủy ban nhân dân và chính quyền cấp quận huyện. Có ý kiến cho rằng do hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, điều này là phi thực tế. Rõ ràng về mặt thực tế và cả lý luận hiện nay chưa thể hóa giải được vấn đề này”.

Theo ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện Việt Nam, chính quyền địa phương nên tổ chức 2 cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở. Đã là cấp chính quyền thì phải có đầy đủ cơ quan dân cử, phương tiện, quyền hạn để thực hiện quyền  của người dân ở cấp đó. Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Về địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, tôi đề xuất  mô hình chính quyền địa phương thực hiện 2 chức năng. Một là thực hiện chức năng hành pháp của chính phủ trên địa bàn, tức là thực thi pháp luật. Chức năng thứ 2 là đại diện cho lợi ích của cộng đồng địa phương, quyết những vấn đề của địa phương mà không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. 2 chức năng này hoà nhập với nhau, phù hợp với thể chế”.

Về Hội đồng Hiến pháp, nhiều ý kiến đề xuất không cần thiết thành lập hội đồng này mà giữ nguyên như cơ chế hiện nay, cùng với đó tăng cường thực quyền các cơ quan Quốc hội để bảo đảm vai trò giám sát. Ngược lại, cũng có đại biểu cho rằng cần thiết phải có Hội đồng hiến pháp để nâng cao vai trò Nhà nước pháp quyền, cơ chế giám sát cao nhất trong hoạt động lập pháp, chấp hành Hiến pháp, tạo điều kiện và cơ sở để xử lý những hành vi vi Hiến.

Cũng trong buổi thảo luận hôm nay, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc giữ nguyên tên nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cũng như khẳng định bản chất của nền kinh tế Việt Nam.Ngày mai, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác