Quốc hội thảo luận Dự án luật đầu tư công

(VOV5) - Chiều nay, 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận Dự án Luật đầu tư công.


Theo đánh giá của các đại biểu, Dự luật trình ra Quốc hội lần này đã làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhằm góp phần giảm bớt thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Dự thảo luật đã thể hiện được quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết TW 3, khóa 11 về yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công, chế định rõ ràng quy trình đầu tư từ chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đến quản lý dự án đầu tư, xây dựng cơ chế giám sát đầu tư, chế độ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, minh bạch hóa cơ chế đầu tư, khắc phục đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả… Đối với kế hoạch đầu tư trung hạn, một số ý kiến đề nghị các quy định kế hoạch đầu tư trung hạn phải đảm bảo khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hạn chế việc chia nhỏ dự án trong đầu tư công hiện nay. Đồng thời cần có quy định về kế hoạch đầu tư dài hạn hơn như kế hoạch đầu tư công 10 năm hoặc 20 năm để đảm bảo có kế hoạch chủ động bố trí đủ vốn đối với các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.


Quốc hội thảo luận Dự án luật đầu tư công  - ảnh 1


Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, để nghị bổ sung thẩm quyền cho cấp xã và cấp huyện: “Đề nghị dự thảo luật đầu tư công cân nhắc cho phép cấp huyện và xã quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án đầu tư công vượt khả năng cân đối ngân sách hàng năm dự toán để phù hợp với Luật ngân sách hiện hành và tránh tình trạng đầu tư quá lớn, tạo gánh nặng cho ngân sách".     
  
          

Trong phiên họp chiều nay, hầu hết các đại biểu đều đề nghị Quốc hội thông qua Dự án Luật đầu tư công tại kỳ họp này nhằm tạo chuyển biến mới trong đầu tư công.

Trước khi thảo luận Dự án Luật đầu tư công, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó, Dự luật sửa đổi bổ sung những nội dung mới như: Việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải tuân thủ đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát… Đặc biệt, Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác