Quốc hội thảo luận Dự luật Cảnh sát biển Việt Nam

(VOV5) - Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam có 4 chương với 49 điều, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nguyên tắc tổ chức, xây dựng lực lượng và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa 14, chiều nay 22/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc Hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe Tờ trình về Dự Luật Cảnh sát biển Việt Nam và thảo luận về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận Dự luật Cảnh sát biển Việt Nam - ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp Quốc hội - Ảnh: quochoi

Ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Pháp lệnh). Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam có 4 chương với 49 điều, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nguyên tắc tổ chức, xây dựng lực lượng và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Về phạm vi hoạt động, dự thảo Luật nêu rõ Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, vì mục đích nhân đạo, hòa bình, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ở địa bàn liên quan, trên vùng biển nước ngoài, vùng biển quốc tế, nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, thỏa thuận song phương, điều ước và pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt cho rằng: “Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về mục tiêu, chiến lược phát triển biển đến năm 2020; Chiến lược về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đặc biệt là định hướng chiến lược quốc phòng an ninh đối ngoại trên biển. Nghiên cứu và quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển. Tuy nhiên nội dung của dự thảo luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản pháp luật nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cưu, rà soát, đối chiếu với pháp luật liên quan để chính sửa các quy định, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác