Quốc hội thảo luận dự thảo một số dự án Luật

(VOV5)- Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 21/5, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Dự án Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) bao gồm các nội dung về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền nhân dân; giám sát và phản biện xã hội... Dự thảo Luật lần này bổ sung, làm rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm, hệ thống tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là bổ sung, quy định rõ hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và thực tiễn.

Bà Trần Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, góp ý: “Về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đề nghị quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Từ đó để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là nơi tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng cả hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu quả.

Quốc hội thảo luận dự thảo một số dự án Luật  - ảnh 1
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Cũng trong buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.


Chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội khóa VII thông qua tại kỳ họp thứ hai, ngày 30/12/1981, đã sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994, năm 2005. Tuy nhiên, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Đa số các ý kiến cho rằng nên giữ nguyên độ tuổi nhập ngũ như Luật quy định hiện nay là từ 18 - 27 tuổi. Có ý kiến đề nghị không quy định nhập ngũ đối với sinh viên đại học đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác