Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi)

(VOV5) -Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày,.

Tại phiên làm việc chiều 12/06, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Bộ luật lao động (sửa đổi). Đa số đại biểu đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu và ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm ở độ tuổi thấp hơn quy định đối với nhóm lao động đặc thù.

 Các đại biểu cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ là phù hợp với khả năng lao động, quá trình già hóa dân số, hội nhập quốc tế và thể chế hóa tinh thần của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) - ảnh 1 Phiên họp ngày 12/06, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. 

Đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét nhiều yếu tố: “Việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Nhất là lao động phổ thông, cán bộ công chức, viên chức bình thường. Việc tăng tuổi hưu như tờ trình nên cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ.”

Luật lao động hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu với nam là đủ 60 tuổi và nữ là đủ 55 tuổi.

Liên quan đến quy định tăng thời gian làm thêm giờ, nhiều đại biểu đồng tình với quy định tăng thời gian làm thêm giờ lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, cần quy định thêm thời gian làm thêm giờ theo tháng, tránh tình trạng người sử dụng lao động vắt kiệt sức của người lao động trong một khoảng thời gian dài.

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác