(VOV5) - Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật thủy sản (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao dự thảo luật lần này với nhiều nội dung mới, có tính bao quát và khả thi.
Luật hình sự (sửa đổi) được thông qua đầu giờ chiều 20/6, với đa số phiếu tán thành. Trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, quy định chi tiết về hành vi và định lượng cụ thể về hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng trong chiều 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật cảnh vệ và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trước đó, sáng 20/6, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật thủy sản (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao dự thảo luật lần này với nhiều nội dung mới, có tính bao quát và khả thi. Việc dự án luật dành 5 điều để quy định về việc giao thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản là những điểm mới, tiến bộ nhằm khuyến khích phát triển ngành nuôi xa bờ. Tuy nhiên, cần cân nhắc việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển. Cũng về nội dung này, một số ý kiến cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Sáng 21/6, Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 3.