SOM1 nhất trí với 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017

(VOV5) - Kết thúc Hội nghị, các đại biểu nhất trí hoàn toàn đối với 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017.

Chiều nay (3/3), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, chủ trì Họp báo hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC và các hội nghị có liên quan vừa bế mạc vào trưa cùng ngày. Kết thúc Hội nghị, các đại biểu nhất trí hoàn toàn đối với 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017. Đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hầu hết các nền kinh tế thành viên của APEC đều tham gia thảo luận, đóng góp sâu vào các vấn đề ưu tiên mà Việt Nam đưa ra. Kết quả của SOM1 cho thấy sự hợp tác liên kết, tự do hóa thương mại và đầu tư tiếp tục là dòng chảy chủ đạo tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên của APEC sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề lớn tại Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM2) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tại thành phố Hà Nội.

SOM1 nhất trí với 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017 - ảnh 1
Trưởng SOM các nền kinh tế APEC chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến mang tính dài hạn, xuyên suốt, bên cạnh đó, cũng có những cái sáng kiến rất thiết thực, cụ thể, nổi bật, đề xuất tiến tới hình thành tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, đưa ra ý tưởng lập ra cơ chế để bàn thảo, xác định mục tiêu cụ thể, để khởi động ngay từ SOM 2 tới đây tại Hà Nội. Các nền kinh tế thành viên sẽ soát các mục tiêu Bogor chưa hoàn thành và xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Đề xuất mục tiêu thúc đẩy mang tính bao trùm đưa nội hàm bao trùm trong kinh tế, tài chính, xã hội, đây là sự bổ trợ then chốt để giúp các tầng lớp cùng tham gia, hưởng lợi từ thành quả từ phát triển tự do hóa thương mại đầu tư, toàn cầu hóa mang đến lợi ích cho mọi người. Ở cấp độ các Ủy ban, Việt Nam cũng đã có nhiều đề xuất như: Về phát triển nguồn nhất lực và việc làm trong kỷ nguyên số, xây dựng nguồn nhân lực để ứng phó cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác