(VOV5) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 27/11, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi theo hướng thực hiện chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế; đồng thời, thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần định hướng sản xuất kinh doanh.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Bà Huỳnh Thị Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng: "Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản và thu từ hoạt động xuất khẩu. Thời gian áp dụng biểu thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm tăng thu nguồn ngân sách nhà nước trong thời gian ngắn hạn nhưng trong trung hạn và dài hạn có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, cần đánh giá tác động, suy tính kỹ hơn trước khi quyết định thời gian áp dụng và xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất hợp lý để đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, việc làm của người lao động. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước hiệu quả, bền vững nhưng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế".
Chiều 27/11, Chính phủ trình Quốc hội việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó nêu rõ sự cần thiết phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Việc xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam là cần thiết, giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa là nguồn điện xanh và bền vững.
Cũng trong chiều 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn không có ma túy.