(VOV5) - Thời gian tới, Đức sẽ tham gia tích cực hơn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối gắn kết.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (23/9/1975 - 23/9/2020), chiều ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, nước có vai trò và vị thế quan trọng hàng đầu ở Châu Âu và trên thế giới. Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh những thành tựu quan trọng của quan hệ hai nước và tin tưởng hợp tác giữa Việt Nam - Đức đang đứng trước nhiều triển vọng mới, to lớn.
Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn, nhất là cấp cao khi điều kiện cho phép, phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức thông qua năm 2019, cùng nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/9/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Đức khuyến khích doanh nghiệp Đức mở rộng hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên như công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng thông minh, năng lượng tái tạo, dạy nghề, hợp tác lao động…; khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Đức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Đức phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực vắc-xin, đồng thời cùng nhau phối hợp thúc đẩy trở lại giao thương, đi lại và phục hồi kinh tế hiệu quả.
Trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Đức là Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2020, Việt Nam và Đức cam kết tiếp tục cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa hai khu vực, hướng tới nâng tầm quan hệ EU-ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/9/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Thủ tướng Angela Merkel khẳng định trong thời gian tới, Đức sẽ tham gia tích cực hơn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối gắn kết Đức với khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng cũng trao đổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định và an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực.