(VOV5) - Một trong những nội dung về kinh tế - xã hội được tập trung thảo luận chiều 08/11 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là các giải pháp khôi phục đà phục hồi kinh tế. T
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, để nền kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo hai hướng chính.
Đó là chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Thứ hai là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công. Chính phủ cần đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển ở 3 lĩnh vực: đường sắt; phát triển công nghiệp hậu cần, vận tải biển; hạ tầng công nghệ số.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu. Ảnh: Minh Đức/ TTXVN |
Cũng liên quan đến hỗ trợ vốn trong kinh doanh, đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho rằng cần quan tâm tới các hộ kinh doanh cá thể. Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động. 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ nên đây là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid - 19. "Chính phủ cần ban hành chính sách về vốn, cụ thể và kịp thời để hỗ trợ đối tượng này, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng đối với đối tượng này, gắn với chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm qua ngân hàng chính sách xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện và triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong đó quan tâm đến các chính sách vay vốn ưu đãi đối với các hộ kinh doanh cá thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự phiên thảo luận. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, để hồi phục nền kinh tế không thể thiếu sự vực dậy của các vùng kinh tế trọng điểm. "Trong các quyết sách phục hồi, tái cơ cấu và phát triển kinh tế mà Quốc hội đang bàn thảo xem xét, tôi đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế, bởi đây là những nơi bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh đồng thời cũng là những tỉnh, thành trọng điểm về phát triển các khu công nghiệp, có đóng góp lớn cho kinh tế, ngân sách của đất nước. Khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh, thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số, đặc biệt là tạo điểm tựa cho hàng triệu lao động nhập cư."
Cuối giờ chiều 8/11, giải trình làm rõ 1 số vấn đề tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ lao đông, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường lao động nhưng điều đáng mừng là hơn 1 tháng qua, tình hình đang tiến triển rất khả quan.
Theo báo cáo từ các tỉnh phía Nam, hiện phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, chế xuất từ 50 - 80% và số lao động phục hồi 70 – 75%, cá biệt có những địa phương tới 90%. Như vậy, giúp Việt Nam không thiếu trầm trọng lao động. Kết quả này là nhờ Việt Nam đã chủ động những giải pháp nhất định. Qủa thực, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 3 gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Tổng cộng có khoản trên 48 triệu người thụ hưởng.
Cũng trong chiều 8/11, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long làm rõ thêm về công tác phòng chống dịch COVID – 19, việc củng cố mạng lưới y tế cơ sở, bao phủ vaccine cho người dân…