(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác kinh tế...
Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh - Ảnh: VOV |
Chiều 10/1, Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào rời Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-10/1/2022, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm; cùng dự lễ ký các văn kiện hợp tác, lễ phát động năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào; đồng chủ trì Kỳ họp thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, gặp gỡ doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đường Bắc Sơn, Hà Nội).
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao, hai bên tái khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới các hình thức linh hoạt, hiệu quả; triển khai nghiêm túc và hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào. Ảnh: Vũ Khuyên/VOV |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác kinh tế; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế chính sách mới phù hợp với tính chất đặc thù của quan hệ Việt Nam-Lào, tạo lập hành lang pháp lý ổn định và minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, giúp giải phóng nguồn lực thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục-đào tạo; tăng cường giao lưu về văn hóa, thể thao và du lịch; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, thương mại điện tử, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; cùng các nước ASEAN ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, phấn đấu giữ vững đoàn kết, đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng thành công cộng đồng ASEAN; cũng như ủng hộ Campuchia thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN, trong đó có chấm dứt bạo lực, ngừng bắn và thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược có liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.