Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt chống tội phạm, buôn lậu

(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế trong nước không thể phát triển được nếu tình trạng tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Chiều 2/01, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt chống tội phạm, buôn lậu - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị. - Ảnh: Báo Lao động.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương tại các đầu cầu phải bố trí lãnh đạo tỉnh tham dự, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm cơ sở để phát triển kinh tế xã hội và mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế trong nước không thể phát triển được nếu tình trạng tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu,công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại phải có sự chuyển biến căn bản để mọi mặt đều tiến bộ, không chỉ là kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh mà là an toàn xã hội. Đây là lần đầu tiên lồng ghép hai Ban Chỉ đạo 138 và 389 thành một Ban, do đó Thủ tướng nhấn mạng việc phối hợp để xử lý các vi phạm là rất quan trọng: “Cần xem xét thực chất sự phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có việc chia sẻ thông tin. Trách nhiệm của các cơ quan chủ quản như thế nào. Các cơ quan cần thống kê đây đủ, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp thời gian tới”.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, yếu kém để công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh năm 2020 đất nước có nhiều sự kiện rất quan trọng, người dân kỳ vọng vào một xã hội an toàn hơn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm điều tra cơ bản, tiếp nhận xử lý tin báo, kiến nghị khởi tố, kịp thời, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, tìm biện pháp ngăn chặn xử lý hiệu quả.... nhất là tội phạm có tính tổ chức, ma túy, xâm hại trẻ em, buôn bán người; tội phạm công nghệ cao, buôn lậu xăng dầu... 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác