Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 7 giải pháp thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam

(VOV5) - Chính phủ một lần nữa cam kết sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để lắng nghe các đề xuất, các nguyện vọng, cùng thảo luận, đưa ra những mô hình tốt, quan tâm tạo điều kiện hơn nữa tới phụ nữ.



Trong Chương trình Tự hào Phụ nữ Việt Nam và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tối 7/3, nhân dịp kỷ niệm 107 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dự và lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại trực tiếp với các đại biểu nữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 7 giải pháp thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam  - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 cho các tập thể, cá nhân (Ảnh: VGP)

Mở đầu đối thoại với các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp đến những người phụ nữ trên cả nước nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và nhân sự kiện quan trọng là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã khai mạc sáng nay. Thủ tướng đặc biệt chúc mừng 100 phụ nữ tiêu biểu được vinh danh; các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia. Đây là những phụ nữ tài năng, trí tuệ đại diện cho phụ nữ Việt Nam. 

Trả lời những ý kiến của các địa biểu nữ đặt ra: Trong số 17 mục tiêu toàn cầu hướng tới sự phát triển bền vững năm 2030 có một mục tiêu về bình đẳng giới. Trong giai đoạn này, với tinh thần là một Chính phủ kiến tạo, hành động, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đột phá nào để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thực hiện lộ trình để phát triển bền vững đến năm 2030. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Để thực hiện chương trình này thì phải xây dựng Chương trình hành động quốc gia. Đi liền với đó là phải triển khai Luật bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới đã ra đời 10 năm và cần tổng kết để bổ sung những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới của bình đẳng giới. Thứ ba là có chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Thứ tư là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta để thực sự thực hiện bình đẳng giới; thứ năm là bố trí nguồn lực và lồng nghép tốt các chương trình để thực hiện chương trình này tốt nhất; thứ sáu là tăng cường kiểm tra, đánh giá, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước được giao chức năng này. Thứ bảy, Vấn đề bình đẳng giới là vấn đề lớn mà chúng ta cần phải tiếp tục quán triệt, giáo dục, tuyên truyền tốt hơn để mọi ngành, mọi cấp hiểu được những nội dung căn bản của bình đẳng giới”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 7 giải pháp thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam  - ảnh 2
Chương trình "Tự hào Phụ nữ Việt Nam và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016" (Ảnh: VGP)


Thủ tướng cho rằng thực hiện tốt 7 giải pháp này sẽ đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đối với câu hỏi về giải pháp tăng số doanh nghiệp có chủ là nữ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện và trình Quốc hội ngay trong phiên họp sắp tới để xem xét thông qua Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chú trọng đến vấn đề chủ doanh nghiệp là nữ giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Chính phủ đã lắng nghe Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có đề án về Chương trình khởi nghiệp của nữ giới, và Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp duyệt Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp là nữ giới trong thời gian tới. Trong đó có đặt ra các vấn đề về vốn, đào tạo nguồn nhân lực...

Kết thúc buổi đối thoại, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ một lần nữa cam kết sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để lắng nghe các đề xuất, các nguyện vọng, cùng thảo luận, đưa ra những mô hình tốt, quan tâm tạo điều kiện hơn nữa tới phụ nữ, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác