Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng

(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dự thảo Đề cương Báo cáo thể hiện rõ tinh thần đổi mới và nêu khá nổi bật những vấn đề cốt lõi.

Chiều qua (26/03), tại Trụ sở Chính phủ (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng (Tiểu ban) chủ trì phiên họp thứ 2 của Tiểu ban để thảo luận về Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự thảo Đề cương Báo cáo gồm 3 phần: Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dự thảo Đề cương Báo cáo thể hiện rõ tinh thần đổi mới và nêu khá nổi bật những vấn đề cốt lõi; cơ bản nêu được những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược; những kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới; xác định nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Báo cáo với nội dung mang tầm tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo lớn nhưng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; tránh đưa vào những nội dung không cần thiết, không nội hàm cụ thể, khó vận dụng.

Đối với dự báo tình hình thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tập trung đánh giá, phân tích tác động của cơ hội, thách thức đối với Việt Nam từ bối cảnh phát triển mới cả quốc tế và trong nước; thách thức từ các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đặc biệt chú ý những nhân tố mới có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 năm tới, như: Hệ quả của dịch bệnh, các cuộc xung đột, cạnh tranh giữa các nước lớn; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; già hóa dân số; biến đổi khí hậu…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác