(VOV5) - Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận xem xét cho ý kiến, quyết nghị các dự án.
Hôm nay (27/02), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận xem xét cho ý kiến, quyết nghị các dự án: luật Phòng không nhân dân; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Di sản văn hóa (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đồng thời xem xét đề nghị xây dựng các luật: Hàm, cấp ngoại giao; Hàng không (sửa đổi); Đường sắt (sửa đổi); Công nghiệp công nghệ số; và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ. Các nội dung được xem xét cho ý kiến, quyết nghị trong Phiên họp này đều là những nội dung quan trọng, có tác động rất lớn tới việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Cho rằng, đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát kỹ, đảm bảo việc xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật công khai, minh bạch, sát thực tiễn: Số lượng luật được thông qua trong nhiệm kỳ này rất nhiều. Vì vậy, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo dự thảo các Nghị định, để khi luật có hiệu lực, chúng ta có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để thực hiện nghiêm túc. Đây là những yêu cầu rất quan trọng vì qua thực tiễn cho thấy nội dung nào được chuẩn bị tốt, làm tốt thì đi vào cuộc sống ngay. Đặc biệt, các hướng dẫn phải nhanh, gọn, đúng vấn đề, bám sát thực tế.
Thủ tướng lưu ý các cơ quan cần lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.