(VOV5) - Thủ tướng nêu rõ lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng về con người, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp.
Chiều nay (15/10), tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hécta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Đây cũng là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hec-ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của Việt Nam và ĐBSCL có nhiều tiềm năng về con người, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo. Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương báo cáo tình hình triển khai Đề án; xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý nhằm thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra. Từ đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá các mục tiêu của dự án để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể.