(VOV5) - Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ,...
Sáng nay (16/12), tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Tọa đàm với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản, với chủ đề chính là về 2 lĩnh vực chuyển đổi xanh và cơ sở hạ tầng xã hội.
Thủ tướng tiếp lãnh đạo Ngân hàng Tokyo MUFG và VietinBank trước khi tham dự tọa đàm với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Tokyo MUFG và VietinBank tổ chức. Đây cũng là lần thứ 6 cuộc tọa đàm này được tổ chức, sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng qua nhiều năm hợp tác, các đối tác Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm, hiểu văn hóa kinh doanh của nhau. Đây là những tiền đề, nền tảng rất quan trọng để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới.
Đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm lần này, Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi xanh là xu thế hiện nay, mặt khác các nhà đầu tư cũng sẽ không tìm đến với các quốc gia mà hạ tầng xã hội yếu kém. Thủ tướng khẳng định Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong “cơn bão” hiện nay trên thế giới, xét về mọi mặt. Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ bảo đảm môi trường hòa bình, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực để tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng cho biết với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện...; công nghệ lõi tiềm năng, như: công nghiệp bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế… Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng và nhu cầu. Đồng thời, đây cũng là những lĩnh vực trọng tâm trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn của Nhật giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thế hệ mới; các nguồn đầu tư tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), "Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC)"; các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo, như: "Quỹ Đổi mới sáng tạo/Chuyển đổi số (Innovation/DX)" của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong giai đoạn tới.
Tại Tọa đàm, trên tinh thần chân thành, tin cậy, các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản và đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam cũng đã trao đổi, phản hồi về nhiều chủ đề chính sách, cũng như vai trò của các cơ chế đối thoại doanh nghiệp, đặc biệt là Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, nhằm giải quyết các thách thức mới trong hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc quan hệ đối tác bình đẳng.