(VOV5) - Dự kiến, trong năm 2021, ban soạn thảo sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Chiều 23/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng họp với Ban soạn thảo Đề án “Thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”.
Triển khai Nghị định số 61 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, 59/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính như: Hà Nội, Đồng Tháp, Thừa Thiên- Huế, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Cơ chế một cửa một mặt đã giúp điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy, đổi mới và cải tiến làm việc quan hệ của cơ quan nhà nước; mặt khác cũng giúp cho việc hiện đại hóa các công sở, các trung tâm hành chính công và đã được thực hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin và người dân và cán bộ có thể đi kiểm tra trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về quy trình thủ tục hành chính. Như vậy đã cắt giảm được thời gian rất nhiều".
Dự kiến, trong năm 2021, ban soạn thảo sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân với lộ trình cụ thể là năm 2021, tối đa là 30 phút/trường hợp và đến năm 2023, tối đa còn 15 phút/trường hợp…