(VOV5)- Nhiều ý kiến đề nghị đối với Luật Dân sự các giải pháp được xây dựng dựa trên tính chất của mối quan hệ dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý
Sáng nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Theo Ban soạn thảo, việc sửa đổi Bộ Luật Dân sự nhằm xây dựng Bộ Luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế- xã hội sau khi Hiến pháp được sửa đổi.
Theo đó, dự thảo Bộ Luật đưa ra một số nội dung mới, như quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản; bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Bộ Luật dân sự với các luật khác có liên quan theo nguyên tắc: Bộ Luật dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
Cụ thể hóa thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, dự thảo Bộ Luật quy định: tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân đều được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng./.