Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo

(VOV5) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Chiều 10/9, tại Nhà Quốc hội, khai mạc Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 48 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: quochoi.vn 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 05 dự án luật, 03 dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ đóng góp ý kiến về các báo cáo giám sát chuyên đề, công tác tư pháp, hoạt động kiểm toán và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 Quốc hội (khóa 14).

Sau phiên khai mạc, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ việc chưa thoát nghèo bền vững và có hay không việc chạy theo thành tích đưa các hộ thoát nghèo về cận nghèo.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng đề nghị nên có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Tỷ lệ giảm nghèo của các tỉnh rất tốt, thậm chí dưới 1%. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem lại những đối tượng này rà soát lại nghèo không hay đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiều người suốt cả đời như thế, không phải nghèo nữa mà thuộc đối tượng yếu thế phải bảo trợ. Những diện đó nên có cuộc rà soát để có báo cáo về giảm nghèo, chất lượng của giảm nghèo còn thực chất bao nhiêu. Điều đáng mừng là việc thực hiện chương trình có hiệu quả. Còn tỉnh Khánh Hòa thì có 2 huyện miền núi tỷ lệ nghèo cao hơn 20%. Tuy nhiên, điều đáng mừng là chúng ta làm đúng định hướng theo chủ trương, đường hướng”.

Cũng trong chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ủy ban đối ngoại của Quốc hội báo cáo nhanh về kết quả Đại hội Đồng AIPA 41 và họp kín, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác