(VOV5) - Các đại biểu đề nghị quốc hội trong quá trình ban hành các đạo luật cần chú trọng hơn các qui định để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Chiều 12/4, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo. - Ảnh: quochoi |
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm ngoái đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong năm 2018 phát hiện nhiều đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước sai chế độ.
Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định vẫn còn tình trạng xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định,... Các đại biểu cũng đề nghị quốc hội trong quá trình ban hành các đạo luật cần chú trọng hơn các qui định để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản công.
Cũng trong chiều 12/4, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện, các đại biểu đề nghị bổ sung một số quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số.
Trước đó, sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo luận này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6.