Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế

(VOV5) - Việt Nam luôn xem Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, là đối tác quan trọng hàng đầu. 

Sáng 17/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn các Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam do Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra làm Trưởng đoàn. 

Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, ứng phó với các thách thức toàn cầu. Việt Nam luôn xem Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, là đối tác quan trọng hàng đầu.

Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc trên cả 3 trụ cột chính là hòa bình, phát triển và thúc đẩy quyền con người. Thủ tướng cho biết: Việt Nam rất tự hào là một trong những nước đi đầu trong sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc và nơi có Ngôi nhà xanh chung Liên hợp quốc thân thiện với môi trường đầu tiên trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác. Trong bối cảnh Việt Nam còn gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về nguồn lực và biến đổi khí hậu, Việt Nam mong Liên hợp quốc giúp huy động nguồn lực đủ và bền vững, kể cả về tài chính, kinh nghiệm, nhân lực chất lượng cao, để thực hiện thành công các ưu tiên này.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam một cách mạnh mẽ trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030, nhất là việc hỗ trợ Việt Nam tham gia vào diễn đàn chính trị cấp cao về các mục tiêu phát triển bền vững vào sang năm. Liên hợp quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững thông qua triển khai rà soát quốc gia, phát triển khối kinh tế tư nhân…. với sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác