(VOV5) -Việt Nam ủng hộ các bên liên quan duy trì đối thoại, tiếp xúc cấp cao; có hành động mang tính xây dựng, thiết thực nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 20/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vừa diễn ra ở Bình Nhưỡng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:“Việt Nam hoan nghênh kết quả Hội đàm Thượng đỉnh liên Triều 19/9/2018 và việc hai bên ký kết Tuyên bố chung Bình Nhưỡng. Việt Nam ủng hộ các bên liên quan duy trì đối thoại, tiếp xúc cấp cao; có hành động mang tính xây dựng, thiết thực nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; thúc đẩy đối thoại, hợp tác; duy trì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới”.
Bà Lê Thị Thu Hằng |
Trước đó, ngày 19/9 tại thủ đô của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký Tuyên bố chung Bình Nhưỡng.
Trong đó, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định nguyên tắc độc lập và tự quyết của dân tộc Triều Tiên/Hàn Quốc và nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc một cách nhất quán và liên tục vì sự hòa giải và hợp tác dân tộc, hòa bình vững chắc và hợp tác chung, nhất trí nỗ lực thông qua các biện pháp chính sách để hiện thực hóa ước nguyện và hy vọng của tất cả người dân Triều Tiên/Hàn Quốc rằng những bước phát triển trong quan hệ giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn tới quá trình thống nhất.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc tàu chiến Anh hoạt động trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.
Về việc tàu ngầm Nhật Bản lần đầu diễn tập trên Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, phía Nhật Bản đã có phát biểu chính thức về việc này. “Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982", bà Hằng nhấn mạnh. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Việt Nam tiếp tục đề nghị các nước đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.