Việt Nam kêu gọi chung tay hợp tác vì sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương

(VOV5) - Cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường biển, rác thải đại dương...

Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu khai mạc ngày 12/5, tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Việt Nam kêu gọi chung tay hợp tác vì sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương - ảnh 1Phó Thủ tướng chính phủ Lê Văn Thành phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Ánh Huyền/ VOV5

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, đai dương đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và nhiều rủi ro khác. Thực tế, những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh khó lường. Đây là những thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với UNCLOS 1982.

Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang hướng tới hưởng ứng Ngày đại dương thế giới 2022 với chủ đề “Hồi sinh cùng hành động vì đại dương” và triển khai các cam kết về khí hậu tại COP26 vừa qua.

Việt Nam kêu gọi chung tay hợp tác vì sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương - ảnh 2Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh: Ánh Huyền/ VOV5

Thay mặt chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hành động vì nhân loại cũng như sự sống trên trái đất trước các thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có các biện pháp quyết liệt hơn nữa, thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương.

Phó Thủ tướng đề xuất cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường biển, rác thải đại dương; Quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển phải dựa trên công nghệ kỹ thuât biển xanh tiên tiến, hiện đại: "Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa đảm bảo phúc lợi tốt nhất cho mọi người dân vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh trong lành và một nền kinh tế bền vững".

Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra hết ngày 13/5 với nhiều phiên thảo luận. Hội nghị có sự tham dự của đại diện hơn 70 quốc gia (bao gồm các quốc gia ven biển, các quốc gia đang phát triển có biển và các quốc đảo nhỏ; các quốc gia ASEAN và các quốc gia phát triển); các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ; các chuyên gia, nhà khoa học.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác