Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

(VOV5) -Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định EU là một trong những đối tác kinh tế và phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và ông Niclas Kvarnström, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ châu Á -Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam-EU (PCA).

Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và ông Niclas Kvarnström, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam-EU (PCA). Ảnh: dangcongsan.vn

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định EU là một trong những đối tác kinh tế và phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU cũng như quan hệ với các nước thành viên EU. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị EU thúc đẩy Nghị viện một số nước thành viên của Khối sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA), ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), có tính đến lợi ích của người tiêu dùng EU để sớm gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Phía EU đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. EU bày tỏ mong muốn hai bên nâng quan hệ lên tầm cao mới, mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, như công nghệ sạch, chuyển đổi số, công nghệ cao, bao gồm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nguyên liệu thô, đổi mới sáng tạo… trong khuôn khổ các sáng kiến hợp tác với khu vực như Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là cấp cao nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (1990-2025), mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nông nghiệp, môi trường, cũng như các lĩnh vực hợp tác mới; khẳng định sẽ tích cực hợp tác thúc đẩy giải quyết một số tồn tại về quy định và triển khai đầy đủ EVFTA.

Hai bên nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, vị thế của hai bên; đồng thời trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; chia sẻ lập trường về việc cần tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây và tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, nhấn mạnh tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS); khẳng định ủng hộ sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác