(VOV5) - Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu tổng quát hội nhập quốc tế đến năm 2030 là góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
|
Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: TTXVN |
Về mức độ hội nhập quốc tế, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đuổi kịp các nước ASEAN-6; năm 2025 đuổi kịp ASEAN-4 và đến năm 2030 vươn lên nhóm đầu các nước ASEAN trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và có chiến lược bắt kịp như cải thiện môi trường kinh doanh...Đến năm 2030, Việt Nam cũng phấn đấu trở thành một trong những thành viên nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo tại các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về lao động, an sinh và xã hội.
Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hội nhập như đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư công; triển khai các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước. Trong hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh, Việt Nam sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược; chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, thực hiện lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong xây dựng và triển khai chiến lược phát triển văn hóa, lao động, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.