Việt Nam tham dự Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 33

(VOV5) -Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn.

Ngày 13/6, Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 33 đã diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ đối thoại ASEAN-Nhật Bản, nhằm kiểm điểm và thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác ASEAN-Nhật Bản. 

Việt Nam tham dự Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 33 - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng. - Ảnh: Nguyễn Hồng/Thế giới & Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Nhật Bản đối với khu vực, hoan nghênh Nhật Bản cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, phát triển tiểu vùng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Thứ trưởng nhấn mạnh hai bên cần phối hợp chặt chẽ thực hiện các quyết định của Lãnh đạo Cấp cao và tích cực triển khai Kế hoạch sửa đổi thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản thông qua các dự án hợp tác cụ thể, thiết thực.

Trong trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng hoan nghênh những tiến triển tích cực gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, và đặc biệt hoan nghênh kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua; khẳng định ủng hộ hoà bình, ổn định và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng chia sẻ về những diễn biến đáng quan ngại trên thực địa tại Biển Đông, và nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam sẽ là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản sắp tới từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2021. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước ASEAN khác đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của cả hai bên và đóng góp cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác