Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu

(VOV5) - Sáng 11/11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 11 của Diễn đàn hợp tác Á – Âu lần thứ 11 (ASEM FMM-11) chính thức khai mạc tại Ấn Độ

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.


Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu  - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Á-Âu lần thứ 11 tại Ấn Độ ngày 11/11 (Ảnh: Tân Hoa xã)


Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Tổng thống nước chủ nhà Hamid Ansari nhấn mạnh qua 17 năm hình thành và phát triển, ASEM tiếp tục khẳng định là cầu nối và diễn đàn đối thoại, hợp tác quan trọng giữa hai châu lục Á – Âu, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và phát triển bền vững. Sau lễ khai mạc là các phiên  họp về “Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức đối với châu Á và châu Âu” và “Các thách thức an ninh phi truyền thống”. 


Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh trong bối cảnh cục diện chính trị chuyển dịch nhanh chóng, kinh tế thế giới phục hồi chậm, khó khăn hơn dự báo, nhu cầu gia tăng hợp tác, liên kết và nâng cao vị thế của ASEM đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Các nước hoan nghênh và đánh giá cao các đề xuất và sáng kiến của Việt Nam, nhất là đề xuất sớm họp Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế đã bị gián đoạn từ năm 2005; hợp tác bảo đảm an ninh về lương thực – nguồn nước – năng lượng cần trở thành một nội hàm ưu tiên của ASEM; hỗ trợ các chương trình tiểu vùng, khu vực như tiểu vùng Mê Công và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như cách tiếp cận mới trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đổi mới và sáng tạo...

Đặc biệt, nhiều thành viên khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam triển khai thành công hai sáng kiến do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9 (tại Lào, tháng 11/2012) về quản lý bền vững nguồn nước và ứng phó với thiên tai, trong đó có hợp tác giữa các nước ven sông Mê Công và Đa-nuýp, cảnh báo sớm, cứu hộ cứu nạn và phục hồi sau thiên tai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác