(VOV5) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản (29/5 - 2/6).
Ngày 25/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn các hãng truyền hình, thông tấn, báo Nhật Bản, như Đài truyền hình NHK, Hãng thông tấn Kyodo News, Jiji Press, Báo Nikkei...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản.
|
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Tại chuyến thăm này, hai bên trao đổi về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Trong đó chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Hai bên sẽ trao đổi về sự phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ giữ vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, khai thác tiềm năng, thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” vào giai đoạn phát triển mới trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước mong muốn hai bên quan tâm ưu tiên thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA), cùng nỗ lực để đạt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020 so với năm 2014.
Chủ tịch nước mong muốn Nhật Bản duy trì ODA cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế. Đồng thời hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững. Việt Nam cũng mong muốn Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của Chương trình “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” (200 tỷ USD) và “Sáng kiến kết nối Mê Công - Nhật Bản” (6,8 tỷ USD).
Trả lời câu hỏi về ý kiến về sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Việt Nam và Nhật Bản luôn ủng hộ nhau cùng phát huy vai trò tích cực, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực. Hai bên ủng hộ nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác; chia sẻ quan điểm và phối hợp góp phần giải quyết các vấn đề liên quan tới hợp tác, phát triển và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực.
Hiện Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, qua đó, làm sâu sắc nội hàm quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa hai nước.