(VOV5) - Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền: vấn đề dân chủ, vấn đề phát luật và chất lượng công chức trong bộ máy pháp quyền.
Sáng 11/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là hội thảo đầu tiên trong 3 hội thảo mà Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sẽ tổ chức. Theo Thủ tướng, chủ đề Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nội dung “cốt lõi” cần được nghiên cứu, trao đổi nhất của toàn bộ Đề án.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền: thứ nhất là vấn đề dân chủ, được coi là linh hồn, sinh khí của nhà nước pháp quyền. Thứ hai là vấn đề pháp luật, cụ thể là câu chuyện thể chế phát triển và thứ ba là chất lượng công chức trong bộ máy pháp quyền, gồm cả năng lực, đạo đức, phẩm chất, uy tín.
Đánh giá về ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là những đóng góp tâm huyết, quan trọng và có sự thống nhất cao về những vấn đề cốt lõi của xây dựng nhà nước nước pháp quyền tại Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền là giá trị có tính phổ quát, cả trí thức và nghiên cứu lý luận, là tinh hoa của nhân loại. Về tư tưởng là đề cao vai trò của pháp luật; tư tưởng về chủ quyền của nhân dân, hướng về nhân dân, phục vụ nhân dân; đề cao giá trị công bằng, công lý và quyền con người cho nên đòi hỏi phải có Hiến pháp và sự thượng tôn hiến pháp, tính minh bạch của pháp luật và thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và thống nhất, bảo vệ con người và quyền con người. Phải có sự phân công, phối hợp về quyền lực nhà nước, gắn với phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực để phục vụ phát triển.