(VOV5) - Năm 2016, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: Cẩm Giàng, Quân Bình, huyện Bạch Thông; Cao Trĩ, huyện Ba Bể và Cường Lợi, huyện Na Rì.
Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường… nhằm giúp bộ mặt nông thôn với điều kiện đặc thù nông thôn miền núi thêm khởi sắc.
|
Gia đình anh Lý Tiến Cát, thôn Bản Mún 1, một bản người Dao xa xôi của xã Dương Phong, huyện Bạch Thông làm giàu từ cây ăn trái (Ảnh: Báo Bắc Cạn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tỉnh Bắc Kạn hiện đang thực hiện đa dạng hoá các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước, huy động tối đa nguồn lực của địa phương… Trong những năm qua, bằng cách lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chương trình khác một cách hợp lý, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình văn hóa, trường học... Nhờ vậy mà đến nay, xã đã đạt được 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2012 - 2015, xã Quân Bình vận động nhân dân hiến hơn 2.200 mét vuông đất, đóng góp hơn 4.500 công lao động trị giá lên tới 675 triệu đồng để làm đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa…
Trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, người dân ở xã Quân Bình chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian qua, xã đã tiếp nhận triển khai trên 20 mô hình trồng trọt và chăn nuôi, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất kinh doanh vay vốn mở rộng sản xuất, từ đó góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người. Ông Lý Thái Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn chủ động thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế của địa phương. "Trên bộ tiêu chí của Chính phủ, chúng tôi thực hiện rất thực tế với điều kiện của địa phương chứ không quá cứng nhắc. Hệ thống giao thông không phải tất cả đường làng ngõ xóm cứ phải bê tông hóa đến 50%, bề rộng mặt đường cứ phải 3m. Bởi nhiều khi thực tế ở miền núi đường dốc, nhỏ nên chúng tôi chỉ cần quy mô khoảng 2m, còn một số hệ thống đường chỉ cần nền đường và hệ thống thoát nước tốt. Chúng tôi quan trọng nhất vấn đề hỗ trợ sản xuất làm sao để nâng cao thu nhập cho người dân" - ông Hải nói.
|
Làm đường giao thông nội đồng Nà Mày, thôn Nà Pò, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông (Ảnh: backan.gov.vn) |
Trong lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất và cây trồng - vật nuôi nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân. 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, Bắc Kạn đã thực hiện được 53 mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: Chăn nuôi gà thả đồi, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi lợn, trồng cam quýt, hồng không hạt, chè giâm cành, rau an toàn… Nhìn chung, các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhiều mô hình được địa phương nhân rộng, một số xã bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa. Anh Ma Văn Cương, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, địa phương chuyên canh trồng cam, quýt, cho biết: "Đến mùa quýt bà con rất phấn khởi, tự hào vì địa phương của mình có cây cam quýt hỗ trợ đời sống, như mức tính toán cả thôn Nà Thoi có mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/ khẩu/năm, gia đình tôi cũng vậy. Bà con nhân dân cũng khá nhiều, bởi vì ngoài ngoài làm nông nghiệp, chăn nuôi thì chủ lực vẫn là cây cam quýt".
|
Vườn cây của gia đình anh Cao Xuân Lãng, huyện Bạch Thông (Ảnh: Báo Bắc Cạn) |
Qua 5 năm thực hiện chương trình, hạ tầng cơ sở, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, bộ mặt nông thôn có bước chuyển mạnh mẽ... Tuy nhiên là tỉnh miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn do vậy việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa như xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao theo quy định gặp khó khăn. Một số hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư song ở mức thấp như: Giao thông, trường học, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa... Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tổng mức vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn là gần 2.800 tỷ đồng.Về 1 số định hướng phát triển để xây dựng nông thôn mới thưo hướng bền vững, ông Lý Thái Hải, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Tỉnh chủ động thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới. Với hướng đi như này thì đến năm 2020 có khoảng 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng năm 2017 phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kêu gọi các nguồn lực đầu tư khác. Bắc Kạn là một tỉnh khó khăn nhưng hàng năm chúng tôi cũng dành ra một nguồn lực để dồn cho chương trình nông thôn mới. Kêu gọi các tập đoàn kinh tế, người dân vào cuộc".
Mục tiêu quan trọng trước mắt của tỉnh Bắc Kạn là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Các địa phương tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi và trồng trọt theo hướng chuyên canh, có như vậy bộ mặt nông thôn của Bắc Kạn mới thực sự khởi sắc và phát triển bền vững.
Năm 2016, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: Cẩm Giàng, Quân Bình, huyện Bạch Thông; Cao Trĩ, huyện Ba Bể và Cường Lợi, huyện Na Rì. Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường… nhằm giúp bộ mặt nông thôn với điều kiện đặc thù nông thôn miền núi thêm khởi sắc. Bài viết của phóng viên Lan Anh.