(VOV5) - Cà ràng có hình thù như con số 8 nằm ngang, cái bụng bếp vừa cho cây củi chụm và chứa tro, ấm cúng che gió, mau chín, mau sôi.
Cà ràng vốn là sản phẩm đặc trưng riêng của vùng sông nước Nam Bộ. Đây là một loại bếp lò được nắn bằng đất, có cấu trúc là 3 ông táo gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng để chụm củi, cời than. Hơn 100 năm qua, xóm lò Phú Thọ (An Giang) luôn đỏ lửa để gìn giữ nghề thủ công truyền thống này.
Xóm lò Phú Thọ được nhận diện bằng những dãy bếp cà ràng phơi mình dưới nắng. Đây là xóm cà ràng (lò đất) một thời tấp nập ghe xuồng cập bến lấy hàng, rồi dập dìu chở về Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang để bán.
Dù ngày nay có nhiều loại bếp phục vụ nấu nướng, chiếc cà ràng vẫn được ưa chuộng trong căn bếp của nhiều gia đình vùng sông nước Nam Bộ. Ảnh: Huỳnh Nhi/Báo Lao Động |
Ông Nguyễn Văn Đô, chủ lò sản xuất cà ràng tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: “Tôi làm nghề này đã là đời thứ ba, từ đời ông Ngoại, đến đời Mẹ, giờ đến đời tôi. Những người thợ đang làm cho tôi đều trạc độ tuổi tôi. Nghề này dù lời ít nhưng vẫn làm”.
Cà ràng có hình thù như con số 8 nằm ngang, cái bụng bếp vừa cho cây củi chụm và chứa tro, ấm cúng che gió, mau chín, mau sôi. Nghề nắn cà ràng chỉ được miêu tả bằng 4 chữ: điêu luyện, khổ luyện. Bếp cà ràng có rất nhiều loại, chia theo tỷ lệ kích cỡ và tên gọi. Mỗi loại đều có cách làm khác nhau nhưng đều phải trải qua 18 công đoạn cơ bản: trộn đất, đạp manh, rải tro, đắp manh, nắn khuôn, năm quay mình ông Táo, vô vĩ, đạo gọt, làm mâm… đến nước cuối cùng cho vô lò nung trên 24 tiếng đồng hồ.
Mỗi công đoạn do một người phụ trách, phải nhịp nhàng, chính xác và hoàn toàn nắn bằng tay. Tỷ lệ pha trộn giữa đất - tro - trấu - cát được cân bằng theo công thức “bí mật” mà chỉ có chủ lò mới nắm bí quyết để tạo nên thương hiệu lò đẹp. Nét đẹp của cà ràng phần lớn do phụ nữ khéo tay phụ trách, thế nên, xóm lò Phú Thọ có tới 80% lao động nữ cũng vì lý do này.
Giai đoạn phát triển mạnh của xóm lò Phú Thọ bắt đầu từ những năm đất nước thống nhất (1975), nhưng hoàng kim nhất là từ 1979. Thời đó, Phú Thọ có hơn 100 hộ gia đình mở lò nắn cà ràng, bếp cà ràng thành phẩm chuyển khắp nơi.
Thời hoàng kim, xóm lò Phú Thọ cung ứng cho thị trường trên 360.000 bếp cà ràng/năm. Ảnh: Kim Loan/VOV Giao thông |
Ông Nguyễn Văn An, người dân xã Phú Thọ, huyện Phú Tân cho biết: "Nghề này đã có trên 100 năm nay, trước đây nghề phát triển rất mạnh, người dân theo nghề rất đông vì làm nghề này người ta sống được. Nếu lúc đó nhà nước đứng ra đầu tư, có nguồn nguyên liệu, hợp tác xã… thì cái nghề này phất lên mạnh hơn nữa."
Khi đó, trung bình mỗi lao động nắn tối đa 30 bếp cà ràng/ngày. Ước tính, mỗi năm, xóm lò Phú Thọ cung ứng cho thị trường trên 360.000 bếp cà ràng. Đặc biệt là vào vụ Tết, thợ lò đắp ngày, nắn đêm, nung đỏ lửa để đủ những mẻ cà ràng đã đặt hàng.
Chị Trần Ngọc Minh, thợ lò nắn cà ràng xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, hồ hởi kể: “Nghề này là nghề truyền thống của ông Nội, tới đời Ba tôi giờ tới tôi. Tôi thích nghề lắm, Tết tới là bán không kịp. Ở xứ miệt dưới, có củi là họ thay lò ngay, hễ tới Tết là thay bếp lò ông Táo mới”.
Ngày nay, sự phát triển tất yếu xã hội, hình ảnh chiếc cà ràng được đặt ở góc bếp trong mỗi gia đình ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đã dần dần được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Thị trường của cà ràng cũng thu nhỏ lại. Xóm lò Phú Thọ hiện giờ cũng chỉ còn 30 hộ nắn cà ràng đáp ứng cho một bộ phận người dân còn sử dụng dạng lò này. Thương lái mua lò chủ yếu đưa đi các tỉnh xa như: Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Tầm 2 tháng thương lái sẽ ghé lấy 300 cái/lần.
Chị Nguyễn Ngọc Thương, chủ lò sản xuất cà ràng ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, cho biết: "Thương lái người địa phương ở đây họ lấy để chở đi vùng khác bán, mình làm ra bao nhiêu thì họ cũng lấy hết. Nhưng tháng đắt thì mình số lượng mình dồn cho vài đầu mối, còn tháng ế thì mình chia ra cho nhiều thương lái khác bán tiếp. Giá cả thì cũng trung bình, Tết cũng như ngày thường, chỉ một giá mà thôi."
Thời gian qua, huyện Phú Tân đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ dân làng nghề làm lò đất truyền thống có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Cùng với đó, bà con làng nghề cũng nỗ lực đầu tư ứng dụng máy móc, công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương.
Cà ràng Phú Thọ hiện đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ được nhiều nhà hàng sử dụng để trang trí nhằm tái hiện nếp sống xa xưa. Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề dù có ít đi nhưng cũng còn nơi để tồn tại và ngày càng được cải tiến đa dạng mẫu mã. Xóm lò vẫn được giữ nguyên lửa nghề trong dòng chảy hiện đại và có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.
Ông Mai Quốc Việt, Phó Chủ tịch xã Phú Thọ, cho biết: “Việc duy trì xóm nắn cà ràng là duy trì làng nghề truyền thống của cha ông để lại và duy trì cuộc sống cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế địa phương. Riêng 30 hộ còn làm nghề thì địa phương rất quan tâm. Chúng tôi đã rà soát các nguồn vốn của ngân hàng chính sách để cho vay, giúp bà con phát triển làng nghề”.
Dù đã qua giai đoạn huy hoàng nhưng bếp cà ràng Phú Thọ mang giá trị tinh thần to lớn bởi gắn liền với phong tục, tập quán của cư dân Nam Bộ, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại.