Các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới

(VOV5)- Trong chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chính phủ Việt Nam đã quyết định 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện 11 nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, nhằm đạt mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 sẽ có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mà chính phủ đã ban hành.

Các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới - ảnh 1
Ảnh: sggp.org.vn

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, trong số 7 giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải pháp hàng đầu là thực hiện cuộc tuyên truyền vận động sâu rộng trong cả nước về xây dựng nông thôn mới. Ông Tăng Minh Lộc cho biết:"Điều này là rất cần vì đây là một chương trình mới, một nội dung mới nên muốn huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và để người dân tham gia một cách tự giác thì phải cho họ hiểu thế nào là xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới thì việc ở xã, ở làng thì thế nào, rồi cách nào để họ huy động được nguồn lực và cán bộ ở làng, ở xã tham gia vào chương trình này thế nào. Cái chính là chương trình này do người dân quyết định cách làm và được hưởng thụ thành quả từ cách làm đó.Có nhiều nơi họ có nhiều cách làm rất hay,ví dụ làm tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, phát động các cuộc thi đua ở các nơi."



Giải pháp thứ hai trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là quyết định, lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế với từng địa phương những nội dung, việc làm cần ưu tiên thực hiện trước trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó phải kiên trì quy hoạch và bổ sung quy hoạch lại nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, việc quy hoạch nông thôn mới đã được các địa phương dần triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Khả, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho hay: "Năm 2012, huyện đang xúc tiến một số công việc, trong đó tập trung cho công tác quy hoạch, phấn đấu 4 xã làm điểm phải làm xong công tác quy hoạch và các xã còn lại phải xúc tiến công tác quy hoạch. Chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn và được sự đồng tình của nhân dân rất cao. Trong ngân sách của tỉnh, riêng trong năm nay tỉnh đã  đầu tư cho huyện 5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới."


Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bao gồm cả việc kiên trì, lâu dài hỗ trợ nông dân về khoa học- kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho xây dựng nông thôn cũng là một giải pháp cần thiết. Ông Tăng Minh Lộc cho biết Đảng và Nhà nước VN đã đầu tư khoản kinh phí không nhỏ để đào tạo đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới trong nhiều năm qua. Thêm nữa, Đảng và Nhà nước đã đổi mới một số chính sách, cơ chế hiện nay chưa phù hợp mà mục tiêu là tăng huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Ông Tăng Minh Lộc cho biết: "Ở trong nhóm chính sách có những chính sách tín dụng để khuyến khích người dân vay xây dựng nông thôn mới, vay cho sản xuất để nâng thu nhập và đó là những nguồn để xây dựng nông thôn mới, rồi chính sách nữa là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nông thôn mới, rồi chính sách thu hút cán bộ trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa. Tất cả những chính sách này hiện nay đã có rồi. Ví dụ nghị định 41 về chính sách tín dụng nông thôn đã được cải thiện rất nhiều. Rồi nghị định 61 khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Rồi chính sách thu hút doanh nghiệp trẻ thì có nghị định 28 của chính phủ và chính phủ đang thực hiện chủ trương đưa 60 trí thức trẻ về các xã vùng sâu, vùng xa công tác xây dựng nông thôn mới. Đây là cách tăng cường đưa chất xám về xây dựng nông thôn."


Hệ thống giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở VN còn có việc hình thành giá đỡ để nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã có quyết định về an ninh lương thực quốc gia, cũng có nghĩa là ổn định lâu dài khoảng 3,7 triệu ha diện tích đất trồng lúa. Ngoài ra, Nhà nước còn quy định giá mua lúa phải bảo đảm 30%-40% lợi nhuận cho nông dân trên giá thành và có nhiều chính sách bảo hiểm để nông dân yên tâm trồng lúa trong điều kiện có rủi ro do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Nhà nước cũng đảm bảo tạo môi trường tốt nhất cho các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với trình độ cư dân từng xã, làng, từng loại hình sản phẩm cây trồng, vật nuôi, làng nghề… tính chất sản phẩm của từng dân tộc với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị cao, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn./.

                         

Phản hồi

Các tin/bài khác