Đồng bào Khmer Trà Vinh với phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Tỉnh Trà Vinh có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Qua hơn 4 năm triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trà Vinh đã có 13/85 xã được công nhận hoàn thành toàn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả này, là nhờ có cách làm sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận cao của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. 

 Đồng bào Khmer Trà Vinh với phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Người Khmer ở huyện Trà Cú góp đất làm đường giao thông. Ảnh: Dân trí


Nghe nội dung bài viết tại đây:



Ngọc Biên là xã vùng sâu của huyện Trà Cú, có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 81%. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao... Thế nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà người dân Ngọc Biên sẵn sàng tự nguyện hiến đất, hoa màu, cây ăn trái để thi công các công trình phúc lợi. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên người dân có sự đồng thuận rất cao và đóng góp tích cực. Nổi bật nhất là trong xây dựng thống thủy lợi và xây dựng đường giao thông nông thôn đã có 519 hộ hiến hơn 145.000 m2 đất trị giá gần 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra đóng góp trên 500 triệu đồng cùng Nhà nước xây dựng 8 cầu nông thôn. Ông Kim Rây,  hộ đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, cho biết: “Có sự góp sức với nhau nên không kể tuyến đường dài hay ngắn, đường nhựa hay bê tông đều thực hiện hoàn thành, đi lại dễ dàng. Trước kia không có đường nối với tỉnh lộ rất khó khăn, bây giờ đường đã hoàn thành việc vận chuyển hoa màu, lúa gạo rất thuận tiện”.


Tương tự xã Ngọc Biên,  ở tại xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần,  là xã vùng sâu, có  67 %  dân số là người  Khmer. Sau 04 năm triển khai xây dựng nông thôn mới bộ mặt của địa phương có sự thay đổi rõ rệt, nhất là mạng lưới giao thông. Có được kết quả này là nhờ có sự đóng góp sức người, sức của của người dân, đặc biệt là đất đai. Điển hình như hộ ông Sơn On, ấp Ô Trom,  tuy không phải là hộ khá giả, nhưng ông sẵn sàng hiến hơn 300m2 đất để địa phương có đất làm đường. Vì theo ông Sơn On, xây dựng nông thôn mới chính người dân là chủ thể, các công trình được xây dựng không phải dành riêng cho một cá nhân nào mà nó mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và đây cũng là cơ hội để diện mạo vùng quê đổi thay, góp phần nâng cao đời sống, trong đó có cả gia đình ông: “Được sự phát động của chính quyền địa phương xây dựng đường lộ cho ấp Ô Trom tôi rất mừng và tôi sẵn sàng hiến đất để Nhà nước làm đường, thuận tiện cho nhân dân phát triển kinh tế, đi lại thuận lợi. Trong đó có cả gia đình tôi”.

Không chỉ vậy, ông Sơn On còn  tích cực tuyên truyền đồng bào phật tử chung tay, góp sức thực hiện các công trình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Với vai trò Trưởng ban Quản trị Chùa Ô Trom và bằng uy tín của mình, ông đã vận động được 33 hộ tự nguyện hiến hơn 5.000 m2 đất, cùng với kinh phí trên 40 triệu đồng để cùng với kinh phí của Nhà nước hoàn thiện tuyến giao thông liên ấp.


Với sự nỗ lực của  các cấp chính quyền và sự chung tay góp sức của nhân dân, xã nghèo Hiếu Tử đã nhanh chóng hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn, một trong những tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Không chỉ dừng lại ở kết quả xây dựng hệ thống đường giao thông, từ chỗ biết phát huy dân chủ, lấy sức dân để làm lợi cho dân mà nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng thực hiện đạt. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm 10% so với năm 2011. Ông Lâm Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần cho biết: “Sau hơn 3  năm phát động xây dựng nông thôn mới,đa số người dân đã có đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng hiến đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng giao thông nông thôn. Hiện con 2 con lộ thuộc 2 ấp Ô Trom, Ô Trao đến nay cũng giải quyết được mặt bằng còn Đảng ủy, Ủy ban cũng đã đề xuất với huyện, tỉnh để bố trí vốn xây dựng 2 con lộ này”.  

Nhờ có sự đồng thuận cao, sự góp sức của đồng bào và sự đầu tư từ Trung ương dù là địa phương nghèo nhất khu vực nhưng đến nay tỉnh Trà Vinh đã có 13/85 xã đạt cả 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm, nay Trà Vinh đặt ra mục tiêu có thêm 7 xã nữa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; riêng 65 xã còn lại phấn đấu đạt từ 10 tiêu chí trở lên, trong đó 100% xã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn.

Phản hồi

Các tin/bài khác