Hà Nam đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, xóa bỏ sản xuất manh mún

(VOV5)- Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam xác định việc dồn điền, đổi thửa để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xóa bỏ tình trạng mạnh mún trong nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, Hà Nam đã và đang có những biện pháp triển khai tích cực công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng.
Nhấn vào đây để nghe âm thanh:

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Thanh, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có gần 1 mẫu ruộng được chia nhỏ thành 5 mảnh ở những nơi khác nhau. Ông Thanh cho biết, đến mùa cấy, mùa gặt trong thôn thì mạnh ai người ấy làm. Có khi 1 vụ mà cấy tới 3, 4 giống lúa khác nhau nên việc chuẩn bị mất rất nhiều thời gian. Rồi công làm bờ, chăm sóc cũng vất vả. Trong khi đó, nhà chỉ còn có 2 vợ chồng ở quê, con cái lớn đã đi làm ăn ở nơi khác, vì vậy mỗi khi đến mùa thì không có người làm mà đi thuê cũng khó. Vụ cấy, mùa gặt nào cũng phải kéo dài gần nửa tháng mới xong. Nhưng sau khi dồn điền đổi thửa còn lại 2 mảnh, việc chăm sóc đã bớt vất vả hơn nhiều, do áp dụng được máy móc vào sản xuất và đường đi lại cũng đã thuận lợi hơn: Ông Trần Văn Thanh cho biết:“Nếu thuê người làm thì chi phí 300 nghìn một sào, nhưng khi sử dụng máy gặt tới đây thì chỉ có 150 nghìn chỉ có ra thuê chở thóc về. Trước đây phải thuê hơn 300 nghìn một sào kể cả máy phụt chứ chưa kể bốc lên xe. Không có đường thì không thể có máy gặt mà nhân dân đang ưa chuộng dùng máy gặt. Giờ còn 2 ông bà không có máy thì làm gì có người cấy, chẳng ai người ta làm thuê. Giao thông hoàn thiện rồi tới đây sử dụng máy móc thì giá quá rẻ so với lao động bằng tay, quá tốt”.

Xã Vũ Bản, huyện Bình Lục là một trong hai xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chọn làm điểm trong việc dồn điền đổi thửa. Thấy rõ những lợi ích to lớn của việc dồn điền, nên đa số hộ dân đồng tình ủng hộ. Ông Lã Quốc Toản, Bí thư huyện Bình Lục cho biết: Có trường hợp hai, ba anh em trong cùng một nhà tình nguyện cùng dồn vào một thửa ruộng. Cũng có hộ gia đình xin nhận vùng đất khó để có diện tích đất rộng và mạnh dạn đầu tư, cải tạo ruộng theo hướng sản xuất đa canh. Kết quả vụ đông xuân vừa qua và vụ mùa sắp được thu hoạch cho thấy, chi phí đầu vào đã giảm đáng kể khoảng 30%, lợi nhuận người dân thu được tăng lên. Sau khi thực hiện thí điểm thành công ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa ở tất cả các 19 xã trong toàn huyện. Ông Lã Quốc Toản cho biết: Khi áp dụng máy móc vào những thửa ruộng lớn, sức lao động của con người được giải phóng và huyện cũng đã có giải pháp tạo công ăn việc làm cho những lao động này:“Bên cạnh việc dồn ô đổi thửa, chúng tôi còn tích cực kêu gọi nhà đầu tư vào để xây dựng nhà máy xí nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn vì khi chỉnh trang lại đồng ruộng lao động dôi dư ra chính là sắp xếp lại lao động trong nông nghiệp tạo việc làm. Hiện nay chúng tôi có 3 nhà máy mà năm 2011 đã tuyển dụng trên 1 nghìn công nhân có việc làm thường xuyên, tạo việc làm ổn định rất là tốt”.

Là địa phương đang trong bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên tỉnh Hà nam rất chú trọng việc xây dựng nông thôn mới. Hà Nam chọn tổ chức lại đồng ruộng, lấy việc dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Dồn điền đổi thửa, xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, tiết kiệm chi phí sản xuất được thực hiện song song với việc quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết:“Với chương trình dồn điền đổi thửa thì 2 xã điểm đã hoàn thành và tiến hành triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh sẽ xây dựng hết năm 2012, 28 xã điểm sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng phương án và dồn điền đổi thửa vào cuối 2012, đầu 2013. Những xã còn lại thì sẽ tiến hành dồn điền đổi thửa vào hết 2013. Năm nay xây dựng phương án kế hoạch và đến 2013 tổ chức dồn điền đổi thửa. Các dự án, đề án tổ chức sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh gần như 100% các mô hình đã được hoàn thành”.

Thực tế cho thấy khi người nông dân được làm chủ và canh tác trên những thửa ruộng lớn có nhiều thuận lợi hơn trước rất nhiều. Điều dễ nhận thấy nhất là giảm được nhân công và chi phí đầu tư đến 30% so với trước.  Điều đó chứng tỏ, việc xác định công tác dồn điền đổi thửa của tỉnh Hà Nam đã đi đúng hướng và đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân./.


Phản hồi

Các tin/bài khác