Làng Rồng sau 20 năm “đại hồng thủy”

(VOV5) - Đi lên từ những nỗi đau mất mát, những mảnh đời ghép lại gần nhau, yêu thương, đùm bọc và cùng nhau vượt lên số phận.

Sau một đêm kinh hoàng vào tháng 11/1999, trận “đại hồng thủy” bất ngờ đổ về  xóa trắng làng Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cái tên làng Rồng được khai sinh từ sau trận lũ lịch sử ấy, tên của làng do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho những người dân may mắn sống sót về sinh sống trên vùng đất mới. 20 năm sau ngày khai tên làng Rồng, đến nay, bà con đã có một cuộc sống ấm no, vươn lên như cái tên của mình.

Làng Rồng sau 20 năm “đại hồng thủy” - ảnh 1

Làng Rồng thị trấn Thuận An

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Làng Rồng bây giờ những ngôi nhà hai tầng được xây dựng kiên cố mọc lên ngày nhiều hơn, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Những mảnh ghép còn sót lại sau cơn lũ đã dần liên kết với nhau thành một bức tranh mới, tươi đẹp hơn. Thế nhưng, trong ký ức của người dân làng Rồng đã sống trong thời khắc sinh tử ấy, dường như cơn lũ chẳng bao giờ qua đi.

Anh Trần Văn Thu nhớ lại ký ức kinh hoàng, trận lũ đã cướp đi 12 người thân trong gia đình. Tối ngày 2 tháng 11 năm 1999, khi biết lũ đang dâng cao, anh đưa 3 đứa con nhỏ và vợ sang nhà ông bà nội tránh lũ, bởi ngôi nhà được xây dựng kiên cố nhất trong làng. Quay lại nhà mình cất dọn đồ đạc thì nước đã lên quá cao và lũ cuốn trôi đi. Anh bị thương ở chân, trong lúc chới với giữa đêm tối, may mà gặp chiếc thuyền của người dân chở vào đồn biên phòng cấp cứu. Thế nhưng chưa kịp hoàn hồn thì đập Hòa Duân bị vỡ, nước lũ chảy siết, cuốn đi cả nhà gồm cha mẹ, vợ con, em trai, em dâu và đứa cháu, không ai sống sót.

Làng Rồng sau 20 năm “đại hồng thủy” - ảnh 2

Anh Trần Văn Thu, bên di ảnh của gia đình trong ngày giỗ

Anh Trần Văn Thu nhớ lại: "11 giờ khuya em nghe ngoài nớ ầm ầm rồi, khoảng nửa tiếng đồng hồ, nghe tiếng người kếu cứu nữa. Sáng lại em thức dậy ra là san bằng rồi không còn gì nửa hết. Ra là em thấy đã tủi thân rồi, nhà mình mất đi 12 người rồi mà nhà mình không còn chi nửa hết".

Sự cố vỡ đập Hòa Duân trong trận lũ lịch sử năm 1999 xóa sổ toàn bộ làng Hải Thành, thị trấn Thuận An với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng. Chưa đầy 3 tháng sau, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, những người lính Quân khu 4 đã khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho những hộ dân mất nhà cửa và mất cả người thân bằng một ngôi làng mới tọa lạc ngay tại thị trấn Thuận An.

Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: Trận lũ lịch sử năm 1999 làm hơn 350 người chết, nhiều làng mạc bị xóa sổ. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm vùng lũ, chứng kiến cảnh đau thương mất mát của người dân Thừa Thiên Huế và làng biển Hải Thành chỉ đạo phải tìm cách ổn định đời sống cho dân ở làng mới.

Làng Rồng sau 20 năm “đại hồng thủy” - ảnh 3

 Khu vực làng Hải Thành thị trấn Thuận An 20 năm trước giờ đã trở thành bãi tắm du lịch

"Tên làng Rồng cũng chính là Tổng Bí Thư đặt luôn. Thì như vậy, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng là tính nhân văn. Người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, có mặt ở vị trí xung yếu, có những quyết sách nhanh chóng để giúp cho dân ổn định. Và đến bây giờ là nhờ cái định cư ở làng Rồng mà nhiều gia đình khôi phục dần dần, có con cái học hành phát triển trở lại. Việc xây dựng làng Rồng ấy là một dấu ấn của hoạt động khôi phục và giúp cho dân sau thiên tai" - ông Mễ nói.

Bây giờ nhắc tới 2 từ “làng Rồng”, người dân ai cũng ghi nhớ tấm lòng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đã khai sinh và đặt tên làng. Trong sâu thẳm, mọi người đều mong muốn, những đứa con của dòng giống con rồng cháu tiên vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mất mát, đau thương. Ông Lê Văn Toàn, người dân làng Rồng nhớ lại: "Kể từ sau ngày đặt tên làng cho chúng tôi, cứ mỗi dịp Tết hay Lễ, bác Lê Khả Phiêu lại về thăm làng hoặc gửi quà tặng cho bà con nơi đây. Bây giờ, đời sống của bà con đã ổn định, khấm khá. Tấm lòng của nguyên Tổng Bí thư, người dân làng Rồng chúng tôi luôn khắc sâu. Từ đó đến hôm nay chúng tôi có nhiều đổi mới, từ một làng tái định cư khó khăn được bác đặt cho cái tên làng Rồng thì đúng như lời bác đặt, làng Rồng mạnh mẽ đi lên đến nay đời sống khá ổn định".

Làng Rồng sau 20 năm “đại hồng thủy” - ảnh 4

Người dân làng Rồng hôm nay

Đến nay, làng Rồng có 64 hộ với 276 nhân khẩu. Người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển và buôn bán. Toàn thôn có 11 nhà 2 tầng, 9 em đỗ đại học, 6 em cao đẳng. Cả làng hiện không còn hộ nghèo. Chia sẻ về sự thay đổi của làng Rồng hôm nay, ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết: "Trải qua 20 năm sau cơn lũ 1999 lịch sử, thì cũng được sự quan tâm từ trung ương đến địa phương bà con làng Rồng cũng đã vượt qua nỗi đau mất mát, đặc biệt là người thân. 20 năm trôi qua bà con cũng đã vượt qua những khó khăn phát triển làm ăn. Người dân chủ yếu làm ăn đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và một số nghề buôn bán, đời sống cũng rất ổn định, thu nhập bình quân khoảng 3,5 đến 5 triệu đồng/1 tháng, còn một số hộ khá hơn".

Đi lên từ những nỗi đau mất mát, những mảnh đời ghép lại gần nhau, yêu thương, đùm bọc và cùng nhau vượt lên số phận. Họ không quên được nỗi đau quá khứ nhưng từ đó càng trân quý và biết sống có ích cho từng phút giây hiện tại. Vượt qua nỗi đau mất mát, sau 20 năm, người dân làng Rồng đã có thể tự hào với dấu ấn đi lên. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác